Từ văn chương đến điện ảnh: Mảnh đất màu mỡ cho những dấu ấn mới
Là tác phẩm chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, 'Ngày xưa có một chuyện tình' chính thức ra rạp vào ngày 1/11. Đây cũng là bộ phim đại diện Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) diễn ra từ ngày 7/11. Liệu bức tranh nên thơ và bình dị, trong trẻo và trưởng thành bước ra từ thế giới của Nguyễn Nhật Ánh có tiếp tục tạo được cú hích trên màn ảnh?
Văn học - vỉa quặng dồi dào
Trong khi văn học là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp gián tiếp, sử dụng ngôn từ làm chất liệu, thì điện ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp trực tiếp, hội tụ tính chất của các bộ môn nghệ thuật khai sinh trước đó. Do đó, “nghệ thuật thứ 7” vừa có khả năng tái hiện đời sống một cách khách quan, chân thực thông qua hệ thống âm thanh, ánh sáng, hình ảnh sống động,… tác động trực tiếp đến các giác quan của người xem; vừa có khả năng biểu hiện đời sống nội tâm phong phú của nhân vật qua từng hành động, biểu cảm, diễn biến tâm lý của diễn viên.
Thời gian qua, xu hướng làm phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học đang trở thành hướng đi nhiều hứa hẹn tại thị trường Việt Nam. Sức hút của các tác phẩm văn học từ trước đó càng góp phần trợ lực trong quảng bá, truyền thông, giúp bộ phim tạo được mối quan tâm đặc biệt của khán giả.
Trong chiều dài phát triển của điện ảnh Việt, nhiều bộ phim thành công đều được bén rễ, vươn mình từ mảnh đất trù phú của văn chương. Từ những dấu ấn kinh điển của thế kỷ 20 như “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”,... đến bước chuyển mình mạnh mẽ trong nghệ thuật kể chuyện bằng khung hình ở thế kỷ 21 của “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Tro tàn rực rỡ” và gần nhất là “Ngày xưa có một chuyện tình”… tất cả tạo thành làn sóng nghệ thuật đầy phong phú và sống động.
Theo đó, sự cộng hưởng giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh là một phần quan trọng của văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, thổi bùng sức sống và nối dài sự sống cho tác phẩm văn học kinh điển. Từ đó, kiến tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật và truyền cảm hứng cho thế hệ mới từ các tác phẩm phái sinh.
Sự nở rộ của xu hướng chuyển thể
Phim Việt đang nở rộ xu hướng chuyển thể đầy ấn tượng. Ở thế kỷ 20, chúng ta vẫn chưa thể quên một “Vợ chồng A Phủ” (1961) thống khổ mà can trường bước ra từ truyện ngắn của Tô Hoài; một “Chị Dậu” (1980) nức nở, não nề trong cảnh bán chó, bán con sống dậy từ “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; một “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1982) phả ra nỗi u uẩn, bế tắc, chồng chất bi kịch, đói nghèo đè nặng lên cuộc đời nông dân bé mọn khởi nguồn từ “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của Nam Cao,...
Đến thế kỷ 21, hàng loạt dấu ấn đột phá của điện ảnh cũng bắt nguồn từ dòng chảy văn chương. Là một “Bến không chồng” (2001) đau đớn và khắc khoải, ám ảnh và thê lương trong bức tranh hậu chiến chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng; một “Mê Thảo - Thời vang bóng” (2002) trầm mặc, u huyền với mê loạn điệp trùng xoay quanh cây đàn ma quái bước ra từ “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân; một “Thời xa vắng” (2004) đầy hoài niệm, xót xa chuyển thể từ tiểu thuyết cùng nhan đề của Lê Lựu. Trong đó có cả những tác phẩm chuyển thể góp phần mang vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Năm 2004, điện ảnh Việt có bức tranh Nam Bộ mênh mang, cuồn cuộn với tiếng đàn bầu rơi trên những chiều mưa vắng, những cơn lũ tràn về giữa đêm khuya, những cuộc nổi trôi bất tận của đàn trâu và con người trong “Mùa len trâu” (2004) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (chuyển thể từ tác phẩm “Một cuộc đời bể dâu” và “Mùa len trâu” của Sơn Nam).
Năm 2010, với tiếng vịt chạy đồng tao tác, những chuyến đò dọc ngang rong ruổi khắp đồng bằng, những thân phận giấu trong mình vết thương âm ỉ, “Cánh đồng bất tận” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) - tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư - lại khuấy đảo điện ảnh nước nhà với cách khai thác độc đáo cùng những khung hình phương Nam tuyệt đẹp. Năm 2023, hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của Nguyễn Ngọc Tư cũng được tái hiện trên màn ảnh trong bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Không thể không kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với nhiều tác phẩm ăn khách liên tục được chuyển thể thành phim như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) đạt doanh thu 78 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu; “Cô gái đến từ hôm qua” (2017) đạt doanh thu 50 tỷ đồng sau hơn 10 ngày ra rạp; “Mắt biếc” (2019) cũng tạo bước ngoặt lớn khi đem về doanh thu lên đến 180 tỷ đồng.
Vào ngày 1/11, “Ngày xưa có một chuyện tình”, tác phẩm chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh cũng chính thức ra rạp. Bộ phim được kỳ vọng sẽ chiếm được cảm xúc người xem và tiếp tục tạo dấu ấn như thành công ở các tác phẩm chuyển thể trước.
Thăng trầm từ hướng đi nhiều thách thức
Phóng tác, chuyển thể, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn chương đang là hướng đi được nhiều đạo diễn lựa chọn. Song, khi ra rạp không phải phim nào cũng nhận được sự tán dương, đón nhận từ khán giả. Thành công của nguyên tác văn học giúp tác phẩm điện ảnh thu hút sự quan tâm từ công chúng, nhưng cũng là thách thức cam go cho các đạo diễn trong việc cải biên, sáng tạo.
Trong nhiều tác phẩm văn học kinh điển được các nhà làm phim thử sức, một số bộ phim đã không đáp ứng được kỳ vọng của người xem. Năm 2021, “Cậu Vàng” (phim lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của Nam Cao) liên tục vấp phải nhiều chỉ trích và đánh giá tiêu cực về kịch bản và kỹ thuật. Bởi thay vì chọn chú chó thuần Việt vào vai, nhà sản xuất đã đưa chú chó giống shiba của Nhật lên màn ảnh. Với những phân cảnh minh họa sống sượng, “Cậu Vàng” buộc phải rời đường đua sau 2 tuần ra mắt vì không có người xem, chấp nhận thua lỗ 20 tỷ đồng.
Cùng chung số phận, “Kiều” (bộ phim lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du) cũng hứng chịu phản ứng dữ dội từ người xem vì trang phục thiếu đầu tư, tạo hình nhân vật không phù hợp, nội dung chưa sát với lịch sử, sai nguyên tác văn học, đặc biệt là sự xuất hiện của các “cảnh nóng” bị cho là dung tục. Sau 18 ngày công chiếu, “Kiều” cũng rút khỏi rạp, lỗ nặng hơn 90 tỷ đồng.
Năm 2023, ngay khi công chiếu “Đất rừng phương Nam” (phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Giỏi) cũng vấp phải nhiều chỉ trích về trang phục, diễn biến phim xa rời nguyên tác, bóp méo lịch sử. Dù thu về 140 tỷ đồng và có lãi nhưng phim lại gây rất nhiều tranh cãi và đạt doanh thu không tương xứng.
Khi một tác phẩm văn học vượt qua phép thử khắc nghiệt của thời gian, được bảo chứng bởi dấu ấn trong lòng bạn đọc, nghiễm nhiên đó là áng văn hàm chứa nhiều giá trị và hấp dẫn các nhà làm phim. Việc viết kịch bản, chuyển thể tiểu thuyết, truyện ngắn Việt thành tác phẩm điện ảnh không chỉ cần thể hiện sự sáng tạo của đạo diễn, mà còn phải giữ được những giá trị cốt lõi của tác phẩm lớn. Theo quy luật tất yếu, chất lượng tác phẩm và đánh giá khách quan từ công chúng sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim. Số phận trên màn ảnh của “Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ là câu chuyện đáng quan tâm khi truyện đã tạo được tiếng vang nhất định trên văn đàn.
Như bài toán khó cần nhiều quá trình mã hóa và lý giải, một khi tìm được đáp án chính xác, cánh cửa thông hành đầy bứt phá của doanh thu, chất lượng và sự công nhận sẽ được mở ra dễ dàng. Bởi sau cùng, điều mà công chúng kiếm tìm ở điện ảnh nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung cũng là một thế giới phong phú đầy mỹ cảm, khơi gợi những giá trị nhân văn sâu sắc cho mọi thời, mọi người.