Gần 60.000 người mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế họp khẩn
Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, chiều nay (24/7), Bộ Y tế sẽ họp trực tuyến khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh này.
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Hiện tại, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc, 16 người tử vong vì sốt xuất huyết.
Chiều 24/7, Bộ Y tế sẽ họp trực tuyến khẩn cấp về phòng chống sốt xuất huyết. Hai điểm cầu là Hà Nội và TP.HCM. Đại diện các tỉnh có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao cũng sẽ tham dự hội nghị.
TP.HCM là địa phương có số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6/7, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết là 9.628, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (8.422 ca), 17/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết tăng so với năm 2016, trong đó quận 12 tăng đến 85%. TP.HCM đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp. Trong 10 năm trở lại đây, dịch cao đỉnh điểm nhất là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000-6.000 ca.
Từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận 6.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong tuần từ 17-23/7, toàn thành phố ghi nhận 1.389 trường hợp mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở quận Hoàng Mai, Đống Đa...
Làm việc với các cơ sở y tế tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định thông thường đỉnh dịch vào tháng 7 trở đi nhưng năm nay, từ tháng 5, các ca mắc sốt xuất huyết đã tăng cao.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong.
Đặc biệt, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời.
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng chống. Do đó, một trong những cách phòng chống dịch tốt nhất là tiêu diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng. Người dân cần tránh bị muỗi đốt, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.