Gần 600 người được cứu, hỗ trợ khi bất ngờ gặp nạn trên biển
Trong số hàng trăm người được cứu và hỗ trợ khi bất ngờ gặp nạn trên biển trong năm 2021, có 32 người nước ngoài cùng nhiều phương tiện.
32 người nước ngoài được cứu và hỗ trợ
Liên quan đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển trong năm 2021, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) cho biết, năm qua, tổng số thông tin báo nạn nhận được là 363 vụ; Số lượt điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển: 39 lần.
Theo đó, tổng số người được cứu và hỗ trợ: 568 người (32 người nước ngoài) cùng 37 phương tiện khi bất ngờ gặp nạn trên biển, trong đó: Cứu, hỗ trợ trực tiếp: 102 người cùng 03 phương tiện; Cứu, hỗ trợ gián tiếp: 466 người cùng 34 phương tiện.
Về thiệt hại, số người chết và mất tích là 115 người cùng 46 phương tiện bị hư hỏng, chìm đắm.
Điển hình như ngày 14/9/2021, Trung tâm điều động tàu SAR 272 cứu nạn 17 thuyền viên tàu Mỹ An 1 bị chìm ở vùng biển Vũng Tàu sau khi va chạm với tàu LISA AUERBACH, quốc tịch Liberia.
Hay ngày 01/12/2021, Trung tâm đã huy động tàu MATHILDE MAERSK tìm kiếm, cứu nạn thành công toàn bộ 18 thuyền viên (05 thuyền viên Việt Nam, 08 Trung Quốc; 03 Philippines; 02 Myanmar) của tàu NARIMOTO MARU (quốc tịch Belize) bị nghiêng, thuyền viên phải rời bỏ tàu tại vị trí cách Đông Đông Bắc đảo Phú Quý 51 hải lý.
Đề xuất thành lập thêm Trung tâm, đẩy nhanh dự án đóng tàu chuyên dụng
Mặc dù có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nhưng Trung tâm cũng đối diện với một số khó khăn.
Chẳng hạn như các tàu TKCN hiện nay có tầm hoạt động tối đa dưới 300 hải lý tính từ bờ ra biển, dự trữ nhiên liệu, nước ngọt ít nên đối với các vụ việc TKCN dài ngày trên biển hoặc trên các vùng biển xa rất hạn chế, trong khi các vụ việc ngày càng có xu hướng phức tạp, tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng có xu hướng cực đoan hơn.
Vì vậy, Trung tâm kiến nghị Cục Hàng hải VN tiếp tục triển khai các thủ tục thúc đẩy nhanh Dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng loại 62m để trang bị cho Trung tâm phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện về nguồn lực tài chính ổn định, Trung tâm đề nghị Cục Hàng hải VN tiếp tục hỗ trợ Trung tâm trong việc trình Chính phủ Đề án tiếp tục cho phép áp dụng định mức chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ mang tính chất đặc thù của Trung tâm năm 2022 và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm trong giai đoạn sau năm 2022.
Bên cạnh đó, đề xuất với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Đề án thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực V tại Phú Quốc, Kiên Giang; cho phép triển khai đề án chuyển Trạm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Hà Tĩnh tại Vũng Áng về Cửa Lò, Nghệ An để tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm cứu nạn tại khu vực biển Miền Trung…
Phát biểu tại Hội nghị công chức, viên chức của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam năm 2021 tổ chức ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, năm 2021 là một năm các hình thái thiên tai và thời tiết xấu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng và phức tạp, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội, trong đó có công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. “Trung tâm vừa chủ trì công tác TKCN vừa đảm bảo an toàn phòng dịch cho thuyền viên là một thách thức không nhỏ”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ.
Đánh giá năm 2021 Trung tâm đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Trung tâm cần sử dụng hiệu quả nguồn lực, trang thiết bị và con người hiện có để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công tác TKCN; Thực hiện linh hoạt công tác huấn luyện, nâng cao năng lực TKCN, rèn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ TKCN là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, tiếp tục làm chỗ dựa cho bà con ngư dân, người đi biển.
“Tiếp tục rà soát tổng thể về cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng lực của cán bộ, thuyền viên; đẩy mạnh huấn luyện để càng ngày càng có năng lực cao hơn đảm bảo sẵn sàng cho các bối cảnh trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.