Gần 700.000 học sinh THCS, THPT ở TP.HCM bước vào năm học mới
Trước khi bước vào chương trình chính khóa ngày 6/9, học sinh trung học của TP.HCM sẽ có thời gian làm quen, sinh hoạt đầu năm học.
Bắt đầu từ ngày 1/9, các trường THCS, THPT bắt đầu gặp gỡ, sinh hoạt với học sinh các nội dung năm học mới. Thông tin từ các trường, công tác chuẩn bị cho việc dạy học online đã hoàn tất, sẵn sàng.
Lần đầu "tựu trường" online
Hà Phương, học sinh lớp 10, trường THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), cho biết ngày 1/9, em cùng cả lớp sẽ được gặp nhau online. Đây được coi như một buổi tựu trường trước khi bắt đầu vào năm học. Lên lớp 10, được học ở môi trường mới, bạn bè, giáo viên hoàn toàn mới, Phương khá hồi hộp.
Những ngày qua, giáo viên đã lập nhóm chat chung cho cả lớp để thông tin về thời gian gặp mặt, thời khóa biểu, tài liệu học tập.
"Lần đầu tiên em phải tựu trường trong hình thức online thế này nên lạ lẫm. Sắp tới phải học online em cũng khá lo lắng khi ở nhà hơi ồn", Hà Phương nói.
Tương tự, Anh Khôi, học sinh lớp 10, trường THPT Trưng Vương (quận 1) tiếc nuối khi năm học đầu tiên ở ngôi trường mình yêu thích không có khai giảng, tựu trường, không được tham gia các hoạt động chào đón học sinh mới.
"Em thấy hơi tiếc! Lẽ ra giờ này em có thể ngồi trên sân trường THPT Trưng Vương để cùng giao lưu với bạn mới, được anh chị, thầy cô chào đón. Em đã rất mong chờ cảm giác đó vì đây là ngôi trường em yêu thích. Em chỉ có mong thành phố sớm khống chế được dịch để có thể trở lại trường", Khôi chia sẻ.
Nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện học tập
Ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) cho hay nhà trường đã chuẩn hoàn tất công tác tổ chức chuẩn bị năm học như xếp lớp, phân công giảng dạy, thời khóa biểu và các quy định về học trực tuyến, cấp tài khoản cho giáo viên và học sinh, ban hành quy định kiểm tra đánh giá khi học trực tuyến.
Ngày 1/9, hiệu trưởng sẽ họp các giáo viên, giáo viên gửi link lớp online cho học sinh vào thử. Ngày 4/6, ban giám hiệu, giáo viên và học sinh sẽ có buổi gặp mặt online đầu tiên, triển khai các nội dung chuẩn bị cho năm học mới.
Trong thời gian này, giáo viên sẽ tìm hiểu thông tin, nắm bắt hoàn cảnh gì đình, địa chỉ của từng học sinh (đặc biệt thông tin gia đình có F0 đang điều trị hoặc F1, F2 để quan tâm kịp thời), bầu ban cán sự lớp, phổ biến quy tắc học online, ứng xử trên mạng. Học sinh cũng được giới thiệu phòng tư vấn tâm lý online của trường.
“Ngày 6/9, chương trình năm học mới chính thức bắt đầu. Mỗi lớp cũng tổ chức chào cờ online, đọc thư Chủ tịch nước, coi như là lễ khai giảng nhỏ. Giáo viên động viên, tâm tình với các em để các em có tinh thần, khí thế bước vào năm học mới. Dù sao, không có lễ khai giảng như mọi năm, thầy cô và học sinh cũng hụt hẫng”, thầy Bình cho biết.
Thầy Nguyễn Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho biết thời gian qua ban giám hiệu đã nhiều lần họp với các giáo viên, cùng xây dựng kế hoạch dạy học online của trường, phân công giáo viên giỏi công nghệ để hỗ trợ kỹ thuật cho các buổi học online.
Sáng 1/9, giáo viên chủ nhiệm sẽ gặp gỡ học sinh, sinh hoạt, phổ biến các thông tin của trường, lớp, chú trọng nắm bắt thông tin những học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời khóa biểu chính thức sẽ được thông báo vào ngày 5/9.
Không dạy trực tuyến 2 buổi/ngày
Trong thời gian đầu tổ chức dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT TP.HCM đã hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch, phân công đội ngũ, chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua môi trường Internet và tài liệu học tập cho học sinh học tại nhà (do không thể tham gia học trên Internet).
Các trường điều tra, lập danh sách học sinh học hoặc không tham gia học trên Internet; tìm hiểu các học sinh và gia đình đang gặp khó khăn để phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ.
Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh từ ngày 6 đến ngày 18/9, các trường không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học khi trực tiếp.
Khi dạy học, giáo viên tránh dạy quá tải, không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet. Thời lượng dạy học được tính tổng thời lượng tổ chức khóa/chủ đề dạy học của giáo viên bao gồm các hoạt động: chuyển giao nhiệm vụ học tập, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, tổng kết, kết luận, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu học.
Giáo viên có thể chọn lựa những chủ đề, môn mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, tự học trên hệ thống quản lý học tập để bố trí thời khóa biểu trực tuyến. Cách làm này giúp giáo viên và học sinh tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi học tập phù hợp đặc điểm bộ môn.
Thiếu thiết bị học tập
Nhiều học sinh ở TP.HCM gặp khó khăn về thiết bị. Các giáo viên đã xin tài trợ điện thoại, laptop cũ để giúp học trò. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM), cho biết qua thống kê từ những lần học online trong năm học trước, khoảng 10-15% học sinh của trường gặp khó khăn khi học trực tuyến. Một trong số nhiều nguyên nhân đó là việc thiếu thiết bị học tập.
Khi họp bàn công tác chuẩn bị cho năm học mới, các giáo viên băn khoăn rất nhiều về vấn đề thiết bị cho học sinh khó khăn. Sau 3 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều gia đình khó mua được điện thoại hay máy tính để con học online, dù là đồ cũ.