Gần 71 nghìn hộ dân thoát ngưỡng nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
Ngày 11-9, Tỉnh ủy Đác Lắc đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn và nguồn vốn này đã giúp cho 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo.
Dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc Bùi Văn Cường; ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đác Lắc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy Buôn Ma Thuột.
Theo Tỉnh ủy Đác Lắc, sau năm năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, tạo tác động mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần quan trọng hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm năm qua, toàn tỉnh đã có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay 6.761 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp cho 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo; 16.745 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giúp 9.426 lao động được tạo việc làm; hơn 125 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 5.835 căn nhà của hộ nghèo được sửa chữa và xây dựng mới.... Đặc biệt, tỷ lệ nợ quá hạn nguồn vốn tín dụng chính sách giảm từ 0,45% thời điểm cuối năm 2014 xuống còn 0,13% vào cuối tháng 6-2019...
Tuy nhiên, theo Tỉnh ủy Đác Lắc, do nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế, thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ mới thoát nghèo còn thấp, chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh để phát triển ngành nghề, hoạt động sản xuất chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ giới hạn cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, còn các hộ có mức sống trung bình chưa được tiếp cận. Bên cạnh đó, người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo chưa được thụ hưởng chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, để có cơ hội thoát nghèo bền vững...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 ở địa phương, đơn vị, nêu ra những hạn chế và nguyên nhân; đồng thời đề xuất các giải pháp để thưc hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40 trong thời gian tới...
Dịp này, Tỉnh ủy Đác Lắc đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư.