Gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết: Nhà đầu tư chịu ảnh hưởng thế nào?
Gần 710 triệu cổ phiếu FLC vừa bị hủy niêm yết, nhiều câu hỏi đặt ra là quyền lợi của các nhà đầu tư cổ phiếu FLC sẽ thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Nói cách khác, với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty.
"Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được", luật sư Nguyễn Hưng nói.
Theo quy định, khi cổ phiếu mà nhà đầu tư mua bị hủy niêm yết thì vẫn có thể giữ được giá trị bởi pháp luật đã quy định các công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom (hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do sở giao dịch chứng khoán tổ chức, vận hành) để đảm bảo rằng cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn có thể được mua bán như mong muốn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc giá trị của cổ phiếu có còn đạt giá trị cao hay có được thanh khoản một cách dễ dàng hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi việc bị hủy niêm yết chứng tỏ cổ phiếu của tổ chức phát hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để có thể giao dịch trên sở chứng khoán, đồng nghĩa với việc bị giảm uy tín dẫn đến khó mua đi bán lại. Trên thực tế, mức giá giao dịch tại Upcom thường khá thấp so với sàn có niêm yết là HoSE và HNX.
Ngày 13/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin về việc hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Cụ thể, gần 710 triệu cổ phiếu FLC với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết. Như vậy, giá trị chứng khoán bị hủy niêm yết là hơn 7.099 tỷ đồng.
Quyết định do ông Trần Anh Đào, Tổng giám đốc HoSE ký và ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 20/2/2023.
Lý do hủy niêm yết là Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thâýcần thiết phải hủy niêm yết, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Tình huống này thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1, Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Trước đó, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022. Theo HoSE, FLC đã tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm C khoản 1 điều 41 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
HoSE cho hay FLC chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Ngày 4/3 tới, FLC dự tính tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023. Nội dung chính của cuộc họp bất thường lần này vẫn là để thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng - người đã có đơn từ nhiệm phó chủ tịch tập đoàn từ cuối tháng 7/2022 cũng như rời ghế chủ tịch kiêm tổng giám đốc Bamboo Airways. Đồng thời, tại đại hội đồng cổ đông bất thường này, FLC cũng sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ bao gồm 4 thành viên là Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch thường trực Bùi Hải Huyền, Phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn và Thành viên HĐQT độc lập Lê Thái Sâm.