Gần 800 tỷ đồng đầu tư cầu Cẩm Lý mới, tách cầu chung đường sắt
Bộ GTVT phê duyệt dự án cầu Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang), tổng vốn hơn 796 tỷ đồng nhằm tách cầu chung đường sắt, đảm bảo an toàn.
Làm cầu đường bộ mới, tách cầu chung đường sắt
Bộ GTVT vừa phê duyệt dự án cầu đường sắt Cẩm Lý tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 796 tỷ đồng.
Theo quyết định phê duyệt, Dự án cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư.
Dự án nhằm mục tiêu giảm tải cho cầu đường sắt hiện tại để bảo đảm đường sắt khu vực Bắc Giang lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác đường sắt; từng bước hoàn thiện Quốc lộ 37 theo quy hoạch. Đồng thời tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Giang và Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 3.267m. Điểm đầu dự án giao với QL.37 đoạn qua xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Điểm cuối tại xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Dự án xây dựng mới 2 cầu, bề rộng cầu 12m phù hợp với bề rộng mặt đường, gồm cầu vượt đường sắt lý, cầu đường bộ Cẩm Lý.
Kết cấu phần trên sử dụng dầm bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Kết cấu phần dưới: mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi.
Cùng đó là các công trình đường gom, đường giao dân sinh; công trình cây xanh, chiếu sáng; hệ thống an toàn giao thông...
Sau khi cầu mới được hoàn thành, sẽ điều chỉnh giải pháp tổ chức giao thông: cầu đường sắt Cẩm Lý hiện hữu chỉ dành riêng cho đường sắt.
Quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả
Bộ GTVT yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Quản lý dự án đường sắt lập và quản lý chặt chẽ tiến độ thi công; căn cứ khối lượng, tiến độ để rà soát tính toán và đề xuất Bộ GTVT nhu cầu vốn từng năm cho phù hợp, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công theo quy định.
Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm chỉ đạo tư vấn thiết kế hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, giao nộp hồ sơ và tài liệu cần thiết theo quy định cho các cơ quan có liên quan và lưu trữ tuân thủ quy định hiện hành.
Lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án cầu Cẩm Lý, tuân thủ quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, bảo đảm phạm vi giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.
Trong bước tiếp theo, Ban Quản lý dự án đường sắt phải chỉ đạo tư vấn thiết kế thực hiện đầy đủ công tác khảo sát (địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, cấp đường và cự ly vận chuyển,...) tuân thủ quy định. Cùng đó căn cứ số liệu khảo sát, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, tính chất kỹ thuật của công trình để tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích, so sánh lựa chọn giải pháp thiết kế cho phù hợp, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài, phát huy hiệu quả đầu tư.
Thực hiện bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; trong bước tiếp theo lập biện pháp bảo đảm ATGT trong quá trình thi công trên đường đang khai thác, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, máy móc thiết bị thi công và các phương tiện giao thông trên QL.37, đường sắt Kép - Hạ Long, trường hợp cần thiết có phương án phân luồng giao thông cho phù hợp.
"Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư dự án, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, bảo đảm khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định" Bộ GTVT yêu cầu.