Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam gặp sự cố bảo mật liên quan tới AI

AI tuy đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực an ninh mạng nhưng cũng kéo theo làn sóng đe dọa mới khi có đến 87% tổ chức đã gặp các sự cố bảo mật liên quan tới AI trong năm vừa qua, theo báo cáo mới nhất của Cisco.

Sự trỗi dậy của AI khiến mỗi nhân sự, mỗi quản lý, mỗi nhà lãnh đạo phải liên tục phát triển năng lực, học tập suốt đời.

Sự trỗi dậy của AI khiến mỗi nhân sự, mỗi quản lý, mỗi nhà lãnh đạo phải liên tục phát triển năng lực, học tập suốt đời.

87% tổ chức, doanh nghiệp gặp phải các sự cố bảo mật liên quan tới AI

Chiều 8/5, Cisco công bố Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng năm 2025 và chỉ ra mức độ sẵn sàng về an ninh mạng vẫn đang ở mức đáng báo động khi chỉ có 11% tổ chức tại Việt Nam đạt cấp độ trưởng thành, con số này năm 2024 là 6%, mức tăng này không đáng kể.

Điều này cho thấy, dù có cải thiện so với năm trước, mức độ sẵn sàng về an ninh mạng vẫn còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh siêu kết nối và trí tuệ nhân tạo (AI) đang liên tục đặt ra những thách thức ngày càng phức tạp cho các chuyên gia bảo mật.

Theo đánh giá của Cisco, AI tuy đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực an ninh mạng nhưng cũng kéo theo làn sóng đe dọa mới khi 87% các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam gặp phải các sự cố bảo mật liên quan tới AI trong năm 2025.

Đáng chú ý, trong số đó, chỉ 55% người tham gia khảo sát tin rằng nhân viên của họ thực sự hiểu rõ về các mối đe dọa liên quan đến AI và chỉ 53% cho rằng đội ngũ của họ hoàn toàn nắm bắt được cách mà các đối tượng xấu đang lợi dụng AI để thực hiện các cuộc tấn công tinh vi. Chính khoảng trống về nhận thức này đang đẩy các tổ chức vào thế phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng.

Cũng theo báo cáo của Cisco, tình trạng thiếu sẵn sàng về an ninh mạng tại Việt Nam đang ở mức báo động khi có tới 78% người tham gia khảo sát dự đoán doanh nghiệp của họ sẽ bị gián đoạn hoạt động do các sự cố về an ninh mạng trong 1-2 năm tới.

Nguy cơ rủi ro từ việc triển khai GenAI

Theo ý kiến tổng hợp của báo cáo, các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đều cho rằng AI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực an ninh mạng. Có đến 96% tổ chức đang sử dụng AI để hiểu rõ hơn về các mối đe dọa và ứng dụng AI để phát hiện mối đe dọa, khoảng 81% tận dụng AI trong việc ứng phó và phục hồi.

 Báo cáo của Cisco ghi nhận chỉ có 25% nhân viên có quyền truy cập không giới hạn vào các công cụ GenAI công khai.

Báo cáo của Cisco ghi nhận chỉ có 25% nhân viên có quyền truy cập không giới hạn vào các công cụ GenAI công khai.

Tuy vậy, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức cũng nhìn nhận về nguy cơ rủi ro từ việc triển khai GenAI. Các công cụ GenAI đang được ứng dụng rộng rãi khi các tổ chức tại Việt Nam cho biết 44% nhân viên của họ đang sử dụng các công cụ GenAI từ bên thứ ba đã được phê duyệt.

Báo cáo cũng ghi nhận chỉ có 25% nhân viên có quyền truy cập không giới hạn vào các công cụ GenAI công khai và 40% đội ngũ CNTT không nắm được cách nhân viên tương tác với GenAI. Những con số này phản ánh những thách thức lớn trong việc giám sát hoạt động của AI tại các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam.

Một vấn đề đáng chú ý khác là đa phần các tổ chức, doanh nghiệp có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng chỉ nửa trong số đó dành hơn 10% ngân sách CNTT cho an ninh mạng. Đồng thời, 42% cho biết họ đang cần tuyển dụng hơn 10 vị trí chuyên môn liên quan AI trong thời điểm này. Những con số này thấp đáng báo động.

Chuyên gia Cisco khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các giải pháp ứng dụng AI, đơn giản hóa cơ sở hạ tầng bảo mật, nâng cao nhận thức về các mối đe dọa liên quan đến AI. Đồng thời, cần ưu tiên sử dụng AI trong phát hiện, ứng phó và khôi phục sau sự cố cần và tập trung giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực có chuyên môn và quản lý rủi ro từ thiết bị không được kiểm soát.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gan-90-doanh-nghiep-viet-nam-gap-su-co-bao-mat-lien-quan-toi-ai-post185366.html