Gần 92% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19
Theo thông tin trên Cổng tiêm chủng Covid-19, tính đến chiều 26/11, cả nước đã tiêm được 116.430.866 liều vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 91,8% và tỷ lệ tiêm đủ hai liều vaccine là 63,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền bắc là 85,1% và 56,4%; miền trung là 89,8% và 48,2%; Tây Nguyên là 88,5% và 35%; miền nam là 97,9% và 77,6%.
Bên cạnh đó, đến nay đã có 36 tỉnh ,thành phố triển khai điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng. Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí gần 250 nghìn liều thuốc này cho người bệnh sử dụng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: từ sáng nay (27/11), TP Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 9 và giảm dần độ tuổi đến 12 tuổi như lộ trình đề ra cũng như theo lượng vaccine mà Bộ Y tế phân bổ. Sở Y tế Hà Nội vừa tiếp tục phân bổ 137.724 liều vaccine Pfizer cho 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ em 14 tuổi (tương đương khối lớp 9) đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 25/11, toàn thành phố đã tiêm được 235.199 mũi cho học sinh lớp 10, 11 và 12.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị Covid-19 gồm: thuốc kháng virus Molnupiravir và thuốc Paxlovid. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý dược đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam sớm thông báo đến các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu liên hệ với Tập đoàn dược phẩm MSD, Công ty Pfizer hoặc Quỹ Bằng sáng chế thuốc để nộp hồ sơ nhằm trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Molnupiravir và Paxlovid.
Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 26/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.109 ca nhiễm mới, gồm 15 ca nhập cảnh và 13.094 ca ghi nhận trong nước (tăng 665 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố, có 7.288 ca trong cộng đồng. Ngoài ra cũng có 12.368 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 137 ca tử vong. Như vậy, trong bảy ngày qua trung bình mỗi ngày ghi nhận 11.162 ca nhiễm mới.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Sở Y tế Hà Nội có công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Ngày 26/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang đã họp bàn giải pháp kéo giảm tỷ lệ người tử vong do nhiễm Covid-19. Theo báo cáo, đến nay tỉnh ghi nhận 340 ca tử vong, đứng thứ 6 trong cả nước về số ca tử vong. Theo ngành y tế, qua phân tích cho thấy, số ca tử vong xảy ra nhiều từ tháng 11 với trung bình mỗi ngày có 10 bệnh nhân tử vong, trong đó có 308 người chưa tiêm vaccine do họ bị bệnh nền, già yếu, bệnh ung thư, bệnh thần kinh nên từ chối tiêm. Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lê Hồng Quang yêu cầu ngành y tế và các huyện, thị xã tìm giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu nếu không tiêm vaccine thì khi bị nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.