Gắn cải cách hành chính với chuyển đổi số
Thực hiện công khai, minh bạch các thông tin trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử (TT-GTĐT) tỉnh; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; gắn cải cách hành chính (CCHC) với chuyển đổi số, Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới và phát triển.
Để thực hiện tốt công tác CCHC, Sở TT&TT đã công khai, minh bạch các thông tin, dịch vụ công trên cổng TT- GTĐT tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động của các Trung tâm Hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Cổng TT-GTĐT tỉnh tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động cung cấp thông tin định kỳ hằng tháng đối với Cổng thông tin điện tử của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; tăng cường đôn đốc Ban biên tập các Cổng thông tin điện tử thành phần thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011 của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cổng TT-GTĐT tỉnh đã đăng tải công khai, minh bạch trên 3.000 dữ liệu. Trong đó, có trên 600 thông tin, dữ liệu về tình hình dịch Covid-19; 105 văn bản chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; 17 văn bản quy phạm pháp luật; 103 chính sách mới; 50 thông tin đấu thầu, mua sắm công; đăng tải, lấy ý kiến góp ý trên 57 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham vấn ý kiến cộng đồng báo cáo tác động môi trường vào 58 dự án thực hiện; đăng tải lịch và kết quả tiếp công dân hàng tháng.
Thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, Sở TT&TT cử 1 cán bộ trực tiếp tham gia trực, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo thẩm quyền tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với 100% TTHC; công bố kịp thời các quyết định của UBND tỉnh về ban hành mới, bổ sung, bãi bỏ các TTHC và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ 4 ở 3 cấp trên Cổng TT-GTĐT.
Từ đầu năm đến nay, sở đã giải quyết trước hạn 100% hồ sơ; tiếp nhận hơn 97 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 86%.
Gắn CCHC với chuyển đổi số, Sở TT&TT đã cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, lựa chọn những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng để chuyển đổi số; triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.
Triển khai hệ thống văn bản điện tử và kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia: xây dựng được kho dữ liệu điện tử tập trung, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động cho người dân, bản đồ nền địa lý, nền tảng số giáo dục; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, hạ tầng số; bảo đảm an toàn, an ninh, không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.
Từ tháng 4/2022, Sở TT&TT đã cài đặt, đưa hệ thống LGSP tỉnh vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh; thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành.
Cùng với đó, từ ngày 1/1/2022, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh được đưa vào hoạt động, kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đến nay đã thực hiện hơn 4.700 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với tổng số tiền giao dịch hơn 4,2 tỷ đồng.
Hệ thống văn bản điện tử, kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia được triển khai hiệu quả với tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 98% (tỷ lệ ký số của các sở, ban, ngành đạt 99%, UBND các huyện, thành phố đạt 97%, UBND các xã, phường, thị trấn đạt 97%); hơn 10 nghìn chữ ký số công cộng do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân, công ty, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart.
Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số như tham mưu dự thảo kế hoạch triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; Nghị quyết của HĐND tỉnh về thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho các cơ quan, đơn vị địa phương; triển khai dự án xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó ưu tiên tuyên truyền nội dung về chuyển đổi số cho các DN và là cầu nối giữa các cơ quan cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí; duy trì, phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiện đại, an toàn, an ninh thông tin; triển khai xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.