Gắn chăn nuôi với thị trường tiêu thụ
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy phát triển mạnh mẽ nhưng các mô hình nhỏ lẻ, tự phát, không gắn với thị trường tiêu thụ vẫn còn phổ biến. Vì thế có thời điểm mất cân đối cung - cầu, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, khó bảo đảm tính bền vững.
Bài học từ chăn nuôi gia cầm
Từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều người chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do bí đầu ra cho sản phẩm, giá bán thấp, lỗ từ 20-30 triệu đồng/1 nghìn con. Tình trạng này khiến nhiều hộ chưa dám đầu tư tái đàn, chấp nhận treo chuồng. Tại huyện Yên Thế - vùng chăn nuôi gà lớn nhất tỉnh, dù những năm qua, cơ quan chức năng và địa phương đã tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường song người chăn nuôi gà vẫn chưa thực sự yên tâm.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Minh Tân (Hiệp Hòa) nuôi gà đẻ trứng có liên kết về thị trường tiêu thụ cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Thế, thường tháng 3 là thời điểm các hộ chăn nuôi gà sẽ vào đàn nhiều nhưng năm nay, tốc độ tái đàn diễn ra khá chậm. Hộ chị Vũ Thị Thu ở thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) đang nuôi 4 nghìn gà thả đồi. Theo chị Thu, nhiều tháng nay, giá gà ở mức rất thấp (khoảng 40-60 nghìn đồng/kg tùy loại). Trong khi chi phí đầu tư như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn ở mức cao. Hiện gia đình chị vẫn còn lứa gà nuôi hơn 5 tháng chưa bán hết càng làm tăng chi phí và ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn cho lứa sau.
Lý giải giá gà giảm sâu, thị trường tiêu thụ khó khăn, cơ quan chuyên môn nhận định là do những năm gần đây nhiều tỉnh ở miền Bắc phát triển đàn gà số lượng lớn, nguồn cung tăng mạnh. Trước thực tế này, người chăn nuôi cần tính toán tái đàn hợp lý, đặc biệt là phát triển chăn nuôi theo chuỗi, gắn với thị trường tiêu thụ.
Trong khi các hộ chăn nuôi tự phát khó tìm đầu ra cho sản phẩm thì các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ vẫn ổn định. Ví như mô hình liên kết chăn nuôi gà đồi thương phẩm an toàn sinh học tại các xã Tiến Thắng, Đồng Tâm, Tân Hiệp (Yên Thế) liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế, quy mô 60 nghìn con/năm.
Theo mô hình này, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cho các hộ dân và tổ chức thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gồm: Gà thịt đóng hút chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà, khô gà… Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã tiêu thụ hơn 5 nghìn con, giá thu mua cố định 70 nghìn đồng/kg, sản phẩm được phân phối tại nhiều chuỗi siêu thị lớn và cửa hàng thực phẩm sạch tại một số tỉnh, thành phố.
Trong liên kết chăn nuôi gia cầm, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hòa Phú AFC ở thôn Bảo An, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) hiện có 7 hộ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, Hợp tác xã đưa ra thị trường khoảng 1,8 nghìn tấn vịt, gà thương phẩm qua các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, nhà hàng, khu công nghiệp. Theo anh Lê Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã, tham gia liên kết chuỗi chăn nuôi, người dân được tiếp cận phương pháp sản xuất theo quy mô tập trung, được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Cùng đó, vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nên có chất lượng thịt thơm ngon hơn, khi bán ra thị trường được quản lý và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy dù hiện nay thị trường đầu ra đối với gà gặp khó khăn song các hộ tham gia liên kết không bị ảnh hưởng.
Bảo đảm cân đối cung - cầu
Trên địa bàn tỉnh đang duy trì 10 chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm gắn với chế biến, tiêu thụ; 2 chuỗi chăn nuôi dê, bò gắn với tiêu thụ và trên 100 trang trại liên kết nuôi gia công nằm trong chuỗi liên kết của các công ty chăn nuôi lớn như: CP, DABACO, ANT, Hòa Phát, RTD, MAVIN, Hải Thịnh... Ngoài ra còn có mô hình sản xuất tiêu thụ lợn sạch tại Tân Yên, Hiệp Hòa.
Trên địa bàn tỉnh hiện duy trì 10 chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ; 2 chuỗi chăn nuôi dê, bò gắn với tiêu thụ và hơn 100 trang trại liên kết nuôi gia công, nằm trong chuỗi liên kết của các công ty chăn nuôi lớn như: CP, DABACO, ANT, Hòa Phát, RTD, MAVIN, Hải Thịnh...
Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường), với quy mô tổng đàn của tỉnh như hiện nay (đàn lợn khoảng 900 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 20 triệu con) cơ bản phù hợp với tiềm năng và bảo đảm cân đối cung- cầu. Mặc dù vậy, số hộ chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ với phương thức lạc hậu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên có thời điểm gặp khó khăn do sự thay đổi từ thị trường tiêu thụ.
Qua một số năm triển khai hỗ trợ liên kết chuỗi trong chăn nuôi cho thấy, hình thức này giúp giảm chi phí sản xuất (mua được thức ăn, thuốc thú y với giá của nhà sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng), bảo đảm được nguồn cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào đúng, đủ chất lượng; tăng khả năng tiếp cận với công nghệ và thị trường mới, đặc biệt là có sự chia sẻ rủi ro.
Trong bối cảnh thị trường có cạnh tranh như hiện nay đòi hỏi phải tăng cường tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo chuỗi liên kết và quy mô lớn. Nhờ liên kết, người sản xuất đơn lẻ mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm.
Để thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi khép kín; mở rộng quy mô công nghiệp, tập trung, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp, sản xuất hàng hóa. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc ăn cỏ (dê, ngựa), thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tái đàn lợn.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy hợp tác với các tỉnh, thành phố trong việc trao đổi thông tin về tình hình chăn nuôi nhằm hỗ trợ người dân có kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp. Tăng cường, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết, tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Đặc biệt là chú trọng phát triển liên kết trong sản xuất chăn nuôi đối với các đối tượng vật nuôi tiềm năng, lợi thế; tăng chất lượng đàn, phát triển số lượng phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/gan-chan-nuoi-voi-thi-truong-tieu-thu-postid415151.bbg