Gắn cho lương tối thiểu quá nhiều vai trò có thể gây hiệu quả ngược

Khi tính toán đến vấn đề tăng lương tối thiểu cần xem xét tác động đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, cũng như toàn bộ bức tranh của thị trường lao động, quan trọng là không để doanh nghiệp phải sa thải lao động khi tăng lương, lúc đó việc tăng lương tối thiểu có thể gây hiệu quả ngược, theo chuyên gia...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 9/8 tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến sẽ họp phiên đầu tiên để bàn về phương án có nên điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024 hay không.

Trước thềm phiên họp, VnEconomy phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cựu thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia xung quanh vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Từng nhiều năm tham gia Hội đồng đàm phán lương, quan điểm của bà về việc điều chỉnh lương cho năm tới ra sao, thưa bà?

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, và cũng không nhất thiết năm nào cũng phải tăng. 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất lớn, nền kinh tế cũng chưa phục hồi.

Tôi cũng được biết, theo báo cáo của tổ chức công đoàn thì hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng rồi. Tất nhiên là người lao động đang rất khó khăn, nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy rất nhiều người đã mất việc và chính họ còn thiệt thòi hơn nữa. Nếu tăng lương quá cao thì doanh nghiệp không chịu được dẫn đến có thể phải cắt giảm thêm lao động, như vậy số lao động mất việc sẽ tiếp tục tăng lên.

Nhưng mức lương tối thiểu hiện nay theo Nghị định số 38 đã được áp dụng từ tháng 7/2022 và kéo dài đến hết năm 2023. Nếu năm sau chưa tăng thì thời điểm người lao động chờ được tăng lương có phải là quá dài không, thưa bà?

Tôi cho rằng không phải vấn đề thời gian, mà quan trọng là giá trị thực mức lương đem lại cho người lao động, đó đã phải là mức lương thấp nhất trên thị trường hay chưa, hơn nữa chúng ta đã có mức lương tối thiểu giờ. Nên chăng đã đến lúc cần tính đến việc xây dựng một luật về lương tối thiểu, trong đó, sẽ cần quy định được với mức độ tăng trưởng kinh tế bao nhiêu, khả năng duy trì việc làm ở mức nào…, từ đó áp dụng vào những tiêu chí này để tính toán lương tối thiểu.

Ngoại trừ một số năm chịu ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như dịch bệnh, thì lương tối thiểu được điều chỉnh đều đặn hằng năm. Mặc dù vậy, tiền lương thực tế của người lao động được đánh giá là vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, theo bà nguyên nhân do đâu?

Lương thấp không hẳn do lương tối thiểu đâu, đây chỉ là sàn thấp nhất thôi. Việc quy định tiền lương tối thiểu là cơ sở để xác định tiền lương thực tế của người lao động được người sử dụng lao động trả dựa trên từng tính chất công việc, điều kiện lao động nhằm bảo vệ quyền lợi khi tham gia quan hệ lao động.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

"Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, và cũng không nhất thiết năm nào cũng phải tăng. 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất lớn, nền kinh tế cũng chưa phục hồi.

Tôi cũng được biết, theo báo cáo của tổ chức công đoàn thì hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng rồi. Tất nhiên là người lao động đang rất khó khăn, nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy rất nhiều người đã mất việc và chính họ còn thiệt thòi hơn nữa. Nếu tăng lương quá cao thì doanh nghiệp không chịu được dẫn đến có thể phải cắt giảm thêm lao động, như vậy số lao động mất việc sẽ tiếp tục tăng lên".

Đơn cử lương tối thiểu vùng 1 của một số địa bàn tại Hà Nội hiện nay hơn 4,6 triệu đồng/tháng cũng là mức khá cao, trong khi lương tối thiểu chỉ cần chiếm từ 40 – 60% của tiền lương trung bình là được rồi, còn lại phải dựa vào năng suất, tổ chức lao động để tăng lương chứ không nên chỉ dựa vào lương tối thiểu để cải thiện mức lương.

Nếu gắn cho lương tối thiểu quá nhiều vai trò có thể gây hiệu quả ngược. Ví dụ như lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến chi phí lao động và năng suất, khi những yếu tố này bị chi phối sẽ tác động trở lại đến tiền lương của chính người lao động.

Báo cáo về tình hình thực hiện mức lương tối thiểu theo Nghị định 38 thực hiện từ tháng 7/2022 đến nay, vừa qua một số địa phương cũng đánh giá, nhìn chung mức lương tối thiểu tăng đã góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động. Song, vấn đề cũng cần quan tâm là phải có một chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng là tăng lương nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến lạm phát. Hiện nay tiền lương trung bình trên thị trường đang tăng khoảng 7%, còn lương tối thiểu tôi cho rằng không phải là cứu cánh để tăng tiền lương trung bình lên và giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động, Vai trò của lương tối thiểu chỉ là giá đỡ thấp nhất trên thị trường để bảo vệ người lao động.

Mức tiền lương cao hay thấp còn dựa vào rất nhiều yếu tố khác, từ tăng trưởng của nền kinh tế, năng suất, cải tiến công nghệ, khả năng của chính người lao động và các yếu tố khác. Chúng ta cũng có thể tính đến việc hai năm tăng lương một lần, chứ không nhất thiết năm nào cũng tăng. Tôi biết ở một số nước, nhiều năm lương tối thiểu vẫn giữ ổn định.

Việc tăng lương cần hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Mạnh Dũng.

Việc tăng lương cần hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Mạnh Dũng.

Tâm lý chờ đợi mỗi năm đều tăng lương cũng cần thay đổi, thay vào đó chúng ta cần khuyến khích, hỗ trợ để người lao động làm việc tốt hơn, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc sẽ có ỹ nghĩa hơn nhiều.

Như vậy, để việc tăng lương tối thiểu đảm bảo được sự hài hòa giữa các bên, theo bà sẽ cần những giải pháp gì?

Như đã nói ở trên, lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất, nên cần nhìn nhận đúng vai trò. Lương tối thiểu sẽ cần điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tiền lương.

Cho nên đi đôi với việc bảo đảm lương tối thiểu cần có các giải pháp cùng với doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, làm thế nào để tiền lương thực tế của người lao động càng ngày càng tăng lên. Vấn đề quan trọng là lương tối thiểu có đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động hay không.

Cũng cần nhìn nhận đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, đó là khi tăng tiền lương tối thiểu lên mà doanh nghiệp không phải sa thải lao động thì đó là khả năng chi trả được. Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này cần sự cố gắng của tất cả các bên, doanh nghiệp là thành tố tạo ra thu nhập quốc dân, nhưng người lao động cũng là một yếu tố rất quan trọng, vì vậy quyền lợi của hai bên cần hài hòa với nhau.

Tóm lại, khi tính toán đến vấn đề tăng lương cần xem xét tác động đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, cũng như toàn bộ bức tranh của thị trường lao động. Bởi nếu tăng quá cao, doanh nghiệp không trụ được, họ có thể phải tính đến phương án cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí, từ đó gây tác động ngược của tăng lương tối thiểu. Như vậy, chẳng thà mỗi người nhún nhường đi một ít nhưng vẫn duy trì được việc làm và có thu nhập sẽ tốt hơn.

Những yếu tố khác cũng cần nhìn thấy là tỷ lệ thất nghiệp hiện cũng ở mức cao, số doanh nghiệp phá sản, không quay trở lại thị trường rất nhiều. Trong bối cảnh này, cần rất nhiều biện pháp để hỗ trợ chứ không nên chỉ nghĩ đến tăng lương.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động. Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và chuyên gia độc lập.

Hằng năm, Hội đồng sẽ tổ chức họp thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gan-cho-luong-toi-thieu-qua-nhieu-vai-tro-co-the-gay-hieu-qua-nguoc.htm