Gần cuối năm, tín dụng tăng tốc

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 6-2024 cao hơn tổng mức tín dụng 5 tháng đầu năm. Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, tín dụng cả năm 2024 đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.

Dòng tiền… chuyển động

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6-2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Trong khi đến cuối tháng 5-2024, mức tăng mới là 2,41%. Và chỉ riêng tháng 6-2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng này đã đạt kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến hết quý 2-2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5%-6%.

 Tư vấn cho khách hàng tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY

Tư vấn cho khách hàng tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY

NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng tháng 6-2024 tại TPHCM tăng 2,03% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, tín dụng tăng tốc trong tháng 6 chủ yếu chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm.

Tín dụng tăng mạnh cũng đã được nhiều ngân hàng dự tính trước. Trong đó, Vietcombank, Agribank, MB, ACB... đều có mức tăng trưởng trong tháng 6-2024 cao hơn những tháng trước đó.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, nhận định, với những chuyển biến tích cực của thị trường hàng hóa, du lịch dịch vụ, tiêu dùng và thị trường bất động sản, dòng tiền luân chuyển hiệu quả trở lại. Việc này sẽ khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần đạt được chỉ tiêu định hướng tăng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, mặc dù các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu, song giải pháp căn cơ nhất vẫn là kinh tế phục hồi. Chỉ có như vậy thì rủi ro nợ xấu mới giảm. Muốn làm được điều đó cần có các chính sách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Bởi lẽ, chính sách gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ, là một giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc này có thể đẩy nợ xấu về tương lai!

Không hạ chuẩn cho vay

Sự bứt tốc tín dụng trong tháng 6-2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5-2024 mới đạt 2,41%. Trong đó, nhiều NHTM còn tăng trưởng tín dụng âm như ABBank, SeABank, PVComBank, BaoViet Bank… do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Do đó, đến thời điểm này, nhiều NHTM vẫn tiếp tục đưa ra hàng loạt gói vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp.

Báo cáo tình hình doanh nghiệp tại TPHCM trong quý 2-2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cũng cho thấy: 64% doanh nghiệp TPHCM gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 50% khó khăn vì thiếu các đơn hàng mới; 29% khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng và chỉ có 16% khó khăn vì thiếu vốn kinh doanh. Tuy nhiên, theo HUBA, trong hoạt động kinh doanh, vốn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần.

Do vậy, dù chỉ 16% doanh nghiệp được HUBA ghi nhận khó khăn về vốn, nhưng hầu hết đều là doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền để trả nợ và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Vì thế, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền.

Trong bối cảnh này, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều cần thêm điều kiện để giải quyết bài toán vốn. Trên thực tế, Thông tư 06/2024 sửa đổi Thông tư 02/2023 về cơ cấu nợ vừa được kéo dài thời gian thêm 6 tháng, đến hết tháng 12-2024, được NHNN đánh giá sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, qua đó hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Các NHTM cũng cho biết, qua đánh giá, các doanh nghiệp đang trong diện gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn còn gặp khó khăn nên việc gia hạn nợ là cần thiết. Các doanh nghiệp nhờ không bị chuyển nhóm nợ xấu có thể duy trì được các quan hệ tín dụng tốt hơn với các ngân hàng khác nhau, qua đó có thể có được các khoản vay tốt cho đầu tư.

Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ABBank, cho biết, xác định 6 tháng đầu năm sức hấp thụ nền kinh tế còn yếu nên ngân hàng tập trung rà soát lại khách hàng. Doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ tiếp tục được giảm lãi suất cho vay; doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn còn hoạt động được sẽ cơ cấu, gia hạn nợ; còn lại tập trung thu hồi nợ.

“Trong tháng 5-2024, tín dụng ngân hàng vẫn tăng trưởng âm nhưng đến tháng 6 đã tăng trưởng dương trở lại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đã quay lại vay vốn, hy vọng sức hấp thụ vốn trong nửa cuối năm sẽ cải thiện. Ngân hàng chấp nhận giữ mức lãi suất cho vay hợp lý, dù lãi suất huy động có nhích lên nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”, ông Phạm Duy Hiếu nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng đang dần cải thiện, nhưng dù có tăng chậm, ngân hàng cũng không hạ chuẩn cho vay. Tín dụng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế. NHNN tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất như hiện nay, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn vốn cho vay.

4 động lực tăng trưởng tín dụng

Kết quả cuộc Điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa công bố cho thấy, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu tín dụng được cải thiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2024, tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhu cầu vay của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Có 4 động lực tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong năm 2024 và dự kiến 2025 được đưa ra là các ngành: bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; thép và kim loại khác; công nghiệp chế biến, chế tạo.

HẠNH NHUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gan-cuoi-nam-tin-dung-tang-toc-post751476.html