Gắn 'hộ chiếu' để thúc đẩy xuất khẩu tôm hùm chính ngạch tới nhiều thị trường
Chuyên gia cho biết trước yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm hùm sẽ giúp thuận lợi hơn cho quá trình xuất khẩu.
Nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm tôm hùm, ngành thủy sản tỉnh Phú Yên đã thí điểm triển khai gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Mã này giúp người tiêu dùng truy xuất được cơ sở nuôi, vùng nuôi, đến các cơ sở thu mua.
Đây được xem như là "hộ chiếu" để tôm hùm có thể xuất khẩu chính ngạch tới nhiều thị trường trên thế giới; hướng tới phát triển nuôi tôm hùm bền vững.
Mã QR truy xuất nguồn gốc tôm hùm thương phẩm do Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì thực hiện.
Chuỗi liên kết tôm hùm xanh giữa Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu (thị xã Sông Cầu) với doanh nghiệp xuất khẩu Minh Phát và doanh nghiệp cung ứng giống ở thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Một con tôm hùm xanh thương phẩm khi được gắn thẻ sẽ thể hiện đầy đủ thông tin từ thời gian nuôi, hộ nuôi, vùng nuôi…
Theo ông Trịnh Quang Tú, Giám đốc Trung tâm Tư vấn quy hoạch và phát triển thủy sản, trước yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc sẽ giúp thuận lợi hơn cho quá trình xuất khẩu.
Chúng ta không cần phải làm quá nhiều thủ tục như: xác nhận, chứng nhận, chứng minh nguồn gốc tôm hùm nuôi... Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ xác định được thông tin nguồn gốc sản phẩm mà mình đang sử dụng một cách dễ dàng.
Thực tế thời gian qua, tôm hùm khi xuất bán vào thị trường Trung Quốc (quốc gia chiếm đến 98% kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam) luôn yêu cầu phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng.
Giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông gặp nhiều khó khăn.
Tôm hùm bông muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải bảo đảm điều kiện không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên.
Vì vậy, việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm tại Phú Yên mở ra những cơ hội mới cho người nuôi tôm, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong giai đoạn tới, Cục Thủy sản sẽ bàn giao sản phẩm này cho các hợp tác xã, địa phương để ứng dụng vào thực tiễn. Người dân cần áp dụng công nghệ thông tin để truy xuất một cách minh bạch nhất, từ đó xây dựng thương hiệu tôm hùm một cách tốt nhất."
Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 430 triệu USD/năm. Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh từ năm 2000 trở lại đây với vùng nuôi trọng điểm là các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa (chiếm trên 95% số lồng nuôi và sản lượng).
Ngành hàng tôm hùm đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, song vẫn ở quy mô nhỏ, bao gồm cả các cơ sở nuôi cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất (cung ứng giống, thức ăn, xuất khẩu) và tiêu thụ.
Việc tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết ngang và liên kết dọc theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn rất hạn chế (chỉ có hai hợp tác xã nuôi tôm hùm tại Phú Yên và Khánh Hòa)./.