'Mở đường' tạo không gian phát triển mới

Bình Phước nằm trong vùng phát triển năng động Đông Nam Bộ - nơi được ví là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Với nhiều lợi thế về không gian phát triển, chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp từng bước hoàn thiện… Bình Phước đã và đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.

Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” với nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Kông và ASEAN.

Tạo ra không gian mới, động lực mới

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài định hướng phát triển chung của vùng, Bình Phước còn được định vị quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển với các địa phương trong vùng.

Theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của Bình Phước là 18.105 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Một góc KCN Đồng Xoài III đã được lấp đầy

Theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của Bình Phước là 18.105 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Một góc KCN Đồng Xoài III đã được lấp đầy

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố vào cuối năm 2024 là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Trong đó đã tổng hòa tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng tài nguyên, vị thế chiến lược, giá trị văn hóa, con người. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ - Tiểu vùng Mê Kông.

Quy hoạch sẽ tạo ra không gian mới, nguồn lực, động lực mới để hiện thực hóa khát vọng đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa lợi thế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật; là dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững.

Đổi mới tư duy lãnh đạo, hợp tác cùng phát triển

Xác định nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI) có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và toàn ngành công nghiệp nói riêng, thời gian qua, Bình Phước đã và đang tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức động thổ công trình xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước và khởi công giai đoạn 2 Khu công nghiệp BECAMEX Bình Phước

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức động thổ công trình xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước và khởi công giai đoạn 2 Khu công nghiệp BECAMEX Bình Phước

Hiện nay, Bình Phước đang nỗ lực công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện. Bình Phước cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong năm 2025.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, để hoàn thiện “nền tảng 4 tốt”, gồm hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt, tỉnh đang ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với thương mại điện tử. Đồng thời ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội.

Bình Phước cũng đang hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch, hướng đến mục tiêu tất cả cùng phát triển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền

“Thỏi nam châm” hút nhà đầu tư ngoại

Hiện nay, Bình Phước có 15 KCN với diện tích 6.061 ha và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích hàng chục ngàn héc-ta cùng nhiều cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và giao thông kết nối vùng, cảng biển. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của tỉnh là 18.105 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt giá thuê đất trong KCN của Bình Phước chỉ dao động khoảng từ 80-100 USD/m2, trong khi các tỉnh lân cận có giá khoảng 130-150 USD/m2. Đây được xem là lợi thế so sánh, yếu tố để các “ông lớn” như như C.P Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa… về Bình Phước tìm cơ hội đầu tư.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Công ty TNHH HAOHUA Việt Nam Vương Khắc Cường, nhà đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Bình Phước

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Công ty TNHH HAOHUA Việt Nam Vương Khắc Cường, nhà đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Bình Phước

Đặc biệt, vừa qua một “ông lớn” khác trong ngành sản xuất lốp xe đã chi hàng trăm triệu USD để đầu tư dự án quy mô lớn nhất tỉnh Bình Phước. Đó là dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HaoHua (Việt Nam) của nhà đầu tư Shandong HaoHua Tire thuộc Tập đoàn HaoHua (Trung Quốc), với số vốn đầu tư 500 triệu USD, quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm.

Với “nền tảng 4 tốt”, Bình Phước đang là mảnh đất lành thu hút các “ông lớn” tìm đến đầu tư phát triển công nghiệp. Trong ảnh: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh tham quan Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) - một trong những dự án FDI lớn nhất của tỉnh Bình Phước từ trước đến nay

Với “nền tảng 4 tốt”, Bình Phước đang là mảnh đất lành thu hút các “ông lớn” tìm đến đầu tư phát triển công nghiệp. Trong ảnh: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh tham quan Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) - một trong những dự án FDI lớn nhất của tỉnh Bình Phước từ trước đến nay

Với dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi năm Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) sẽ sản xuất khoảng 14,4 triệu bộ lốp xe, tiêu thụ sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn/năm

Với dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi năm Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) sẽ sản xuất khoảng 14,4 triệu bộ lốp xe, tiêu thụ sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn/năm

Trong chuyến thăm Nhà máy sản xuất lốp xe HaoHua, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: Sự có mặt của doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Bình Phước, bởi sau khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Bình Phước - địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước với hơn 240.000 ha. Hy vọng thời gian tới, phía doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm góp phần gia tăng doanh thu ngành cao su của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân Bình Phước.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/555/168456/mo-duong-tao-khong-gian-phat-trien-moi