Gần hơn ý Ðảng lòng dân
ĐBP - Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên. Xác định tầm quan trọng của việc giám sát phản biện xã hội, thời gian qua, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Thông qua giám sát, phản biện xã hội đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, tạo niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.
Ðồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao quà cho hộ nghèo bản Hạ, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Đức Linh
Ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định 217-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên hàng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn nội dung giám sát gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; những vấn đề được nhân dân quan tâm.
Tại huyện Mường Ảng, một trong những vấn đề được nhân dân quan tâm trong thời gian gần đây là việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai tại một số xã trên địa bàn huyện. Theo đó, thực hiện chức năng và nhiệm vụ, trong tháng 6/2019, Ban Thường trực MTTQ huyện đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, HÐND huyện tiến hành giám sát nội dung trên tại các xã: Búng Lao, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Ẳng Cang, thị trấn Mường Ảng.
Qua giám sát cho thấy việc quản lý, sử dụng đất ở một số xã trên địa bàn huyện Mường Ảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt thấp; đa số các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Bên cạnh đó, một số xã thiếu quan tâm, buông lỏng trong quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng cho thuê đất chưa đúng thẩm quyền, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trong sử dụng đất (lấn chiếm, san lấp xây dựng nhà, công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất công ích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất hành lang an toàn giao thông và đất nông nghiệp khác…). Không những thế, việc chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cộng đồng dân cư chậm khiến tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đạt thấp. Ðến cuối năm 2018, tổng diện tích đất thổ cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ đạt 286,83ha/77.713,88ha, chiếm 40,17% diện tích đất thổ cư.
Từ kết quả sau giám sát, đoàn giám sát đã đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm những sai phạm về đất đai, nhất là việc lấn chiếm, san ủi, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại thị trấn Mường Ảng, các xã: Ẳng Nưa, Ẳng Tở và Búng Lao (tại thời điểm kiểm tra, giám sát số vụ việc vi phạm Luật Ðất đai trên các địa bàn cụ thể: Búng Lao có 16 trường hợp/21 vụ việc; Ẳng Tở 17 trường hợp/17 vụ; Ẳng Nưa 3 trường hợp/3 vụ; thị trấn Mường Ảng 1 trường hợp/1 vụ).
Không chỉ ở huyện Mường Ảng, tại một số địa phương khác trong tỉnh, nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quá trình triển khai một số công trình, dự án… đã được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên giám sát, từ đó yêu cầu, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết quyết liệt, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong những năm gần đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức gần 200 cuộc giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát; sau giám sát đã kiến nghị hơn 1.000 ý kiến tới các cấp, các ngành liên quan xử lý, giải quyết. Ngoài ra, MTTQ cũng phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, HÐND các cấp tham gia giám sát 1.446 cuộc; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện chủ trì tổ chức nhiều cuộc giám sát…
Trong công tác phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã chủ động lựa chọn những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để phản biện như các nội dung có liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; các dự thảo nghị quyết chương trình, đề án của HÐND, UBND về phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách liên quan đến an sinh xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…
Bên cạnh đó, hàng năm việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân cũng được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đúng pháp luật. Trong 5 năm trở lại đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức hơn 6.000 điểm tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội và HÐND với gần 470.000 lượt cử tri tham dự; có trên 41.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri với Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành với đại biểu dân cử. Nhiều việc thuộc thẩm quyền địa phương đã được UBND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm trả lời và giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ðối với một số trường hợp đơn thư kéo dài, phức tạp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã xuống địa bàn trao đổi, đối thoại, phối hợp và chuyển tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Có thể nói, những kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn trong việc thực thi Hiến pháp và pháp luật về phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân thông qua vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; qua đó vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên, kết quả đó cũng góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.