Gắn kết áo dài với di sản và điểm đến du lịch Hà Nội
Từ nhiều năm nay nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cùng Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt do anh khởi xướng cần mẫn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và CLB Đình làng Việt tổ chức chương trình 'Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội lần thứ nhất - năm 2023'.
Đây là sự kiện nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch Hà Nội.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, chiếc áo dài là hình ảnh quen thuộc ở Hà Nội trong những dịp lễ quan trọng, trong cuộc sống ngày thường. Hình ảnh các bà, các chị mặc áo dài chụp ảnh bên Hồ Gươm từ xưa đến nay luôn mang đến cho Hà Nội một vẻ đẹp thanh lịch. Ngày nay, nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn duy trì việc mặc áo dài vào những dịp cưới hỏi, lễ tết, tạo nên vẻ đẹp mang bản sắc văn hóa đô thị. Đó là những hình ảnh thể hiện được vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội, một Thủ đô thanh bình với những người dân biết nâng niu giá trị truyền thống.
Không chỉ chú trọng áo dài nữ, từ năm 2014, CLB Đình làng Việt đã có nhiều hoạt động để đưa áo dài ngũ thân nam trở lại đời sống. Và năm 2020, chiếc áo dài ngũ thân nam đã dành được sự quan tâm của dư luận.
“Chúng ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận liên quan đến áo dài như quan họ, ca trù, hát xoan, ví - giặm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử. Các loại hình nghệ thuật này đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn. Hiếm có trang phục dân tộc nào lại góp phần tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể nhiều như áo dài Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta đang nỗ lực đưa áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết.
Trong dịp lễ Quốc khánh năm nay, hơn 100 cán bộ, công chức, người dân, bạn bè quốc tế trên địa bàn Hà Nội đã mặc áo dài diễu hành trên các con phố của Thủ đô vào sáng ngày 1/9.
BTC cho biết, chương trình đã thu hút sự hưởng ứng của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cùng đông đảo Nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.
Đoàn diễu hành đã đi qua các tuyến phố tập trung nhiều điểm du lịch của Hà Nội: Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ - Độc Lập (Quảng trường Ba Đình) - Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Thanh Niên (chùa Trấn Quốc) - Phan Đình Phùng - Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Ô Quan Chưởng - Hàng Chiếu - Đồng Xuân - Hàng Khoai - Hàng Lược - Chả Cá - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục)…
Đây cũng là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023”, đồng thời là hoạt động gắn kết áo dài với di sản và điểm đến du lịch Hà Nội. Trước đó, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 đã được Sở Du lịch tổ chức thành công, là sự tiếp nối những câu chuyện về văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam qua tà áo dài dân tộc, đồng thời đã gắn kết áo dài với di sản và điểm đến du lịch Hà Nội.
Với vai trò là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hà Nội đóng góp quan trọng cho sự phục hồi và phát triển ngành du lịch. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội thường niên trở thành một sự kiện hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách, sẽ là một trong các dấu ấn của du lịch Hà Nội.