Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật

Sáng qua, 30.7, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, các kỳ họp đã thông qua trên 60 luật, nghị quyết, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng cũng như các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố…

Riêng tại Kỳ họp thứ Bảy diễn ra vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Các dự án luật trình Quốc hội đã được Chính phủ, các cơ quan hữu quan chủ trì xây dựng, các cơ quan thẩm tra làm việc nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tiến độ từ khâu xây dựng dự thảo tới thảo luận, lấy ý kiến và quyết định thông qua.

Nhìn nhận ở khía cạnh số lượng, Kỳ họp thứ Bảy có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống đặt ra, điển hình như lĩnh vực về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ - luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong đời sống xã hội còn nhiều việc cần phải làm. Bởi như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn.

Thực tế thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả. Chưa thực sự khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nhất là liên quan tới các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Một vấn đề nữa đó là việc ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đúng thời hạn, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn chưa được khắc phục triệt để. Dẫn chứng cụ thể là trong kỳ giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 vừa qua, vẫn còn 33 nội dung quy định chi tiết thi hành của 9 luật, 1 pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật chưa được ban hành.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về hạ tầng.

Điều này thể hiện qua việc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 90 quyết định quy phạm; các bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn có liên quan.

Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh...

Cho nên, vấn đề còn lại theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật. Hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cùng với đó, cần quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Hân Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/gan-ket-chat-che-giua-xay-dung-voi-thi-hanh-phap-luat-i382743/