Gắn kết công tác đào tạo sau đại học với thực tiễn công tác, chiến đấu
Chiều 27/10, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Đổi mới công tác đào tạo sau đại học đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại'. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo.
Góp phần quan trọng đào tạo đội ngũ cán bộ Công an “vừa hồng, vừa chuyên”
Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an, các học viện, trường CAND và Công an một số đơn vị địa phương; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực đào tạo sau đại học trong và ngoài lực lượng CAND.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, công tác đào tạo sau đại học trong CAND được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới toàn diện từ ngành đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo đến đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Sau hơn 30 năm triển khai công tác đào tạo sau đại học trong CAND, đội ngũ cán bộ Công an đã được nâng cao về trình độ và năng lực nghiệp vụ. Hiện nay, trong lực lượng Công an, tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sĩ đạt 0,17%; trình độ thạc sĩ đạt 2,1% trên tổng số cán bộ chiến sĩ toàn ngành. Công tác đào tạo sau đại học đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ Công an “vừa hồng, vừa chuyên”, có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND ở các địa phương trong cả nước.
Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới" đã xác định: “Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng lực lượng CAND tinh, gọn, mạnh; các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng toàn lực lượng CAND hiện đại; đến năm 2030, phần đầu 50% giảng viên các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, 40% giảng viên các cơ sở giáo dục đại học khác có trình độ tiến sĩ".
Do vậy, đổi mới công tác đào tạo sau đại học, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Công an có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tinh hình mới là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho các học viện, trường CAND hướng tới xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, có năng lực tham mưu chiến lược, lãnh đạo, chỉ huy, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đồng thời có đủ khả năng hội nhập với khu vực, quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đào tạo sau đại học của lực lượng CAND thời gian qua. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc rà soát, cập nhật các văn bản pháp luật liên quan của cơ sở với những tiêu chuẩn học thuật tiệm cận với chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới có tính đến đặc thù của của ngành Công an đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng CAND; đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học; thực hiện cập nhật định kỳ và ban hành chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 17/2021 của Bộ GD&ĐT ngay sau khi chuẩn chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh do Bộ Công an chủ trì xây dựng và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đề nghị việc đào tạo sau đại học trong CAND thời gian tới phải gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ, gắn với vị trí và chức danh công tác; xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo sau đại học đảm bảo tính khoa học, thiết thực; quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị, có trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học nghiệp vụ, đồng thời khai thác triệt để khả năng tham gia công tác sau đại học của các giảng viên kiêm nhiệm trong và ngoài ngành Công an; đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường áp dụng công nghệ cao trong tổ chức dạy học; chú trọng hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài ngành Công an và đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an cũng cho rằng, công tác đào tạo sau đại học trong CAND cần gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, đồng thời tăng giá trị ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị cần xây dựng cơ chế huy động, sử dụng các nhà khoa học, chuyên gia thực tiễn trong lực lượng CAND tham gia các hoạt động đào tạo sau đại học và có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học nữ và nhà khoa học là người dân tộc thiểu số…
Đổi mới đào tạo sau đại học phải đảm bảo tính hiện đại, liên thông và hội nhập quốc tế
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, khẳng định: các ý kiến đều thống nhất cho rằng, đổi mới sau đại học trong CAND là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, gắn đào tạo với quy hoạch, phát triển nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt coi trọng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ có trình độ cao trên một số lĩnh vực đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiền, nghiên cứu và tham mưu chiến lược, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, đào tạo sau đại học trong CAND phải tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn để tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Đảng ủy CATW, Bộ Công an những vấn đề chiến lược về bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH; phải gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Đổi mới đào tạo sau đại học trong CAND cũng phải đảm bảo tính hiện đại, liên thông và hội nhập với đào tạo sau đại học trong nước và quốc tế...
Để có thể sử dụng có hiệu quả những kết quả của hội thảo, góp phần đổi mới công tác đào tạo sau đại học đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị Học viện ANND, đơn vị thường trực hội thảo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tham luận, đóng góp của các đồng chí đại biếu, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để phối hợp với Cục đào tạo và các học viện, trường CAND khẩn trương xây dựng Báo cáo kết quả hội thảo chính xác, khách quan, trung thực theo các chủ đề mà Hội thảo đã đề cập để báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi mới công tác đào tạo sau đại học trong CAND thời gian tới.
Đồng chí Thứ trưởng giao Cục Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng, các học viện, trường đại học CAND nghiên cứu tham mưu lãnh đạo Bộ Công an các giải pháp đổi mới công tác đào tạo sau đại học trong CAND, nhất là tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về các văn bản, quy định, hướng dẫn của Bộ Công an về đào tạo sau đại học; chuẩn chương trình đào tạo các ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; đổi mới công tác tuyển sinh sau đại học phù hợp, đáp ứng mô hình tổ chức mới trong CAND; giao Cục Tổ chức cán bộ chủ trì nghiên cứu tham mưu chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của ngành Công an với lộ trình phù hợp để nâng cao tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học, nhất là ở các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, đơn vị tham mưu, trực tiếp chiến đấu.
Đồng chí Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu các học viện, trường CAND tiếp tục chủ động đổi mới đào tạo sau đại học trên tất cả các nội dung từ hoàn thiện hệ thống ngành đào tạo kết hợp với đổi mới, chỉnh lý, bổ sung chương trình đào tạo; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên tham gia đào tạo sau đại học; đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác quản lý đào tạo sau đại học, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với mô hình, tình hình mới…