Gắn kết dài hạn giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong tập huấn giáo viên

Trong 4 năm qua, các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP đã bồi dưỡng hơn 31.000 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý.

Trong 4 năm triển khai, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Chương trình ETEP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bồi dưỡng cho hơn 31.000 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển nghề nghiệp, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có sự tham gia của 7 trường đại học sư phạm và Học viện quản lý giáo dục.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Các giáo viên phổ thông cốt cán đã được tập huấn các nội dung theo 6 mô đun cốt lõi để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cốt cán này đã cùng với giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho hơn 724.000 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bồi dưỡng thường xuyên các nội dung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trinh ETEP cho biết: "Trong chương trình này, chúng tôi chuyển đổi mô hình bồi dưỡng từ việc tập trung sang mô hình bồi dưỡng thường xuyên liên tục tại chỗ, tại địa phương với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán bộ giảng viên sư phạm, đồng thời, các trường sư phạm tham gia vào trong quá trình bồi dưỡng. Các trường sư phạm lựa chọn đội ngũ giảng viên sư phạm cũng như giảng viên quản lý chủ chốt tham gia và hỗ trợ cho đội ngũ cốt cán tại địa phương. Trong các mô đun bồi dưỡng giáo viên có những mô đun sẽ giúp cho các giáo viên phổ thông tổ chức triển khai các chương trình phổ thông mới theo hướng tiếp cận về phẩm chất và năng lực".

Về phía các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP, sau 4 năm, năng lực đào tạo, bồi dưỡng cũng có sự phát triển tích cực hơn. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chương trình đã thiết kế hoạt động và đánh giá năng lực của mỗi trường đào tạo sư phạm theo các khía cạnh từ quản trị hệ thống; đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học… cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học và cựu người học. Đến nay, trường đã triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông đại trà tại 10 địa phương phía Bắc với hơn 4.000 giáo viên hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ.

"Đổi mới về chương trình phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành về hàm lượng tri thức cơ bản cũng không thay đổi nhiều. Vì vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy cái đổi mới đấy là tập trung nhiều về phương pháp dạy học muốn phát triển năng lực người học thì nội dung nó chỉ là cái cớ, môi trường để chuyển tải đi các phương pháp dạy học, giúp phát triển năng lực phẩm chất học học mà thôi. Các đợt bồi dưỡng, tập huấn đã hướng dẫn các thầy cô giáo viên phổ thông, các nhà trường về đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường", ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội nói.

Theo đại diện các trường sư phạm, chuyên gia tư vấn cũng khẳng định, sự thay đổi mô hình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho thấy, việc hỗ trợ giáo viên cần có sự gắn kết một cách bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông. Nói cách khác, trường đại học sư phạm phải thường xuyên đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gan-ket-dai-han-giua-truong-su-pham-va-truong-pho-thong-trong-tap-huan-giao-vien-post940054.vov