Gắn kết gia đình

Hôm nay là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6- Ngày cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình. Từ xưa đến nay, gia đình luôn là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt và hơn hết, muốn gia đình tốt, hạnh phúc trong thời đại công nghệ số thì sự gắn kết các thành viên có vai trò quan trọng.

Nhiều bài báo gần đây nói về chuyện gia đình hiện đại cần ít nhất 20 phút mỗi ngày để nói không với thiết bị công nghệ. Nói điều này tưởng đơn giản nhưng thực hiện, thực tế lại không đơn giản.

Gia đình trẻ thì áp lực công việc, về tới nhà, mệt mỏi, chỉ muốn được nghỉ ngơi. Vậy nên, con quấy, con khóc, con mè nheo, cứ quẳng cho cái điện thoại, máy tính bảng, con trẻ tự khắc tìm và vui với trò chơi trên máy. Lâu dần, máy tính thành “bảo mẫu” của trẻ, sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo; trẻ tâm sự, nói chuyện với cha mẹ ít dần đi.

Gia đình có con lớn hơn thì đi làm về, tối đến, ai có việc người đó. Ăn cơm xong, buông bát là con cái vào phòng riêng, xem điện thoại; bố mẹ làm bạn với phim ảnh, thú vui cá nhân. Thành thử ít có câu chuyện chung, khoảng cách tâm tư giữa các thành viên cứ xa dần.

Các nhà tâm lý phân tích, nếu trong lúc chuẩn bị bữa ăn hay lúc ăn cơm, ăn xong, mọi người trong gia đình vui vẻ trò chuyện, hỏi han về công việc, về học tập… của nhau thì chắc chắn sợi dây liên kết sẽ càng bền chặt. Vợ chồng thông cảm, hiểu nhau hơn trong công việc, cuộc sống; con trẻ được giãi bày, tâm sự chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè… Gia đình trẻ thì vui vẻ, chơi đùa với con, lắng nghe con, giúp con phát triển toàn diện…

Để làm được điều này, cần nói không với thiết bị công nghệ ít nhất 20 phút mỗi ngày. Thực sự là thoát ly hẳn chứ không phải vừa ăn cơm vừa bấm điện thoại; vừa nói chuyện vừa nhìn màn hình… Và đây sẽ là nền tảng của sự gắn kết, một gia đình văn minh và chia sẻ.

Không ít người bảo, giờ có điện thoại thông minh, có các nhóm gia đình, mọi việc từ lớn đến bé, ở sát cạnh nhau, thậm chí phòng nọ với phòng kia, trong cùng một nhà, cũng đều thông qua tin nhắn. Hỏi han bố mẹ, thông qua tin; bữa ăn tối, mời bố mẹ xuống ăn, qua tin; thảo luận học tập, qua tin và như vậy, vô tình, gần mặt mà không gần lời, bàn phím thay cho lời nói.

Thời đại nào và cuộc sống dù thay đổi thế nào, gia đình vẫn luôn là điểm tựa, là nơi nương náu an toàn và ấm áp nhất của mỗi người. Nhiều câu danh ngôn rất hay nói về gia đình mà có lẽ, ai cũng nằm lòng, ví như: “Bạn có thể có nhiều nhưng gia đình chỉ có một”; “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”; “Có một nơi để về, đó là nhà/ Có những người yêu thương, đó là gia đình/ Có được cả hai, đó là hạnh phúc”…

Và để nơi ấy bình yên nhất, mỗi người, mỗi thành viên cần 20 phút trong ngày, toàn tâm toàn ý để từ đó thông cảm và sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu, yêu thương và trân trọng; gìn giữ và vun đắp… Đó không chỉ là lý thuyết, của các chuyên gia, mà nhân đây, nhắc nhớ, để tất cả mỗi người cùng thực hiện.

Không phải Ngày Gia đình chúng ta mới coi trọng gia đình, mà ngày nào cũng là ngày Gia đình bởi đó là cuộc sống của mỗi người, là tế bào của xã hội. “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, đúng như chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/407388/gan-ket-gia-dinh.html