Gắn kết Mỹ, cứng rắn với Trung Quốc - điểm chi phối cuộc đua Thủ tướng Nhật Bản

Hai cựu Ngoại trưởng đang nổi lên là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua kế vị ông Yoshihide Suga làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.

Ông Fumio Kishida tại cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy hồi năm 2014, khi ông còn là Ngoại trưởng Nhật Bản. Ảnh: AP

Ông Fumio Kishida tại cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy hồi năm 2014, khi ông còn là Ngoại trưởng Nhật Bản. Ảnh: AP

Đương kim Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo sẽ không ra tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) khi nhiệm kỳ chủ tịch kết thúc vào ngày 30/9 tới. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ không đảm nhận cương vị Thủ tướng sau mốc thời gian này. Quốc hội Nhật Bản sẽ phải nhóm họp để bầu ra một nhà lãnh đạo mới, người được cho là sẽ có cách tiếp cứng rắn với Trung Quốc.

Trong số các ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Suga có hai cựu Ngoại trưởng Nhật Bản là Fumio Kishida (64 tuổi) và Taro Kono (58 tuổi). Cả hai nhân vật này đều ủng hộ xu hướng tăng cường tiềm lực quốc phòng cho Nhật Bản để đối phó với việc Trung Quốc phái tàu chiến, máy bay áp sát Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Giữa những khó khăn, thách thức trong nước, ông Suga đã ghi dấu ấn về chính sách đối ngoại trong thời gian hơn một năm nắm quyền, khi trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với ông Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 4 vừa qua. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung, lần đầu tiên kể từ năm 1969 đề cập đến quan ngại về ổn định tại Đài Loan.

Người được chọn làm Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ tham dự cuộc gặp lãnh đạo nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia), dự kiến được tổ chức trong mùa thu này. Nhóm này được hình thành trên cơ sở các bên có cùng mối quan ngại về Trung Quốc và trong thời gian gần đây đã đẩy nhanh các bước điều phối, hợp tác quân sự. Tân Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ trên thế giới, sự kiện do Mỹ đứng ra tổ chức vào tháng 12 tới.

Trung Quốc tăng cường quản lý Hong Kong cùng với các bước đi của chính quyền Biden nhằm đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đã củng cố thêm cam kết của Tokyo với Mỹ, khiến tiếng nói hòa bình trong nội bộ LDP mất đà. Giới chức Tokyo đang lên tiếng ủng hộ Đài Loan/Trung Quốc mạnh mẽ hơn, quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ của chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư, coi đây là điểm nóng có thể tạo ra xung đột ở khu vực.

Đến thời điểm này, cựu Ngoại trưởng Kishida (2012-2017) đã chính thức thông báo về việc tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP. Ông Kishida được xem là người có quan điểm “ít cứng rắn hơn” so với nhiều nhân vật khác trong đảng cầm quyền. Nhưng trong tài liệu sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2021, ông cũng khẳng định Tokyo cần phải gia tăng sức mạnh trước Trung Quốc để ngăn chặn hành xử hiếu chiến của Bắc Kinh.

Theo quan điểm của ông, Nhật Bản cần sở hữu các hệ thống tên lửa có đủ khả năng triệt hạ bệ tên lửa của đối phương trước khi số này được sử dụng trong một cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản. Quan điểm này khiến Fumio Kishida dễ nhận được sự hậu thuẫn, ủng hộ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe và số lãnh đạo bảo thủ trong LDP.

Ông Taro Kono duyệt đội danh dự tại một sự kiện hồi tháng 3/2020, thời điểm ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Ông Taro Kono duyệt đội danh dự tại một sự kiện hồi tháng 3/2020, thời điểm ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Một người khác cũng đã bày tỏ ý định ra tranh cử là đương kim Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono. Tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ) với tấm bằng cử nhân chuyên ngành đối ngoại, ông Kono từng kinh qua các cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe.

Ông là thành viên của phái Shikokai thuộc LDP do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso lãnh đạo và được cho là ủng hộ các chính sách quan trọng của ông Abe. Taro Kono từng nổi bật với các quyết định không ngần ngại điều máy bay chiến đấu chặn máy bay Trung Quốc gần không phận Nhật Bản và cũng là một trong những quan chức đầu tiên tại Tokyo thường xuyên coi Trung Quốc là mối đe dọa với Nhật Bản.

Một nhân vật khác là cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi. Bà Takaichi (60 tuổi), đã tuyên bố sẽ ra tranh cử chức chủ tịch LDP. Phát biểu với các phóng viên sau khi Thủ tướng Suga thông báo không ra tranh cử, bà Takaichi, một nhân vật thuộc phe bảo thủ và thân cận với cựu Thủ tướng Abe, khẳng định bà “sẽ chiến đấu cho đến phút cuối” trong cuộc đua vào chiếc ghế lãnh đạo đảng cầm quyền sắp tới.

Nếu giành chiến thắng, bà Takaichi sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Trong bài viết gần đây đăng trên tờ Wall Street Journal mới đây, bà Takaichi cho rằng Nhật Bản cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ drone và tên lửa chính xác tiên tiến để đối phó với nguy cơ đến từ Trung Quốc hay Triều Tiên.

Theo Ichiro Fujisaki, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Suga theo đuổi chính sách đối ngoại được định hình trên quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh gây sức ép với Đài Loan. “Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ làm như vậy. Vì thế, chủ tịch mới của LDP sẽ không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc hay Đài Loan”, ông Fujisaki nói.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (WSJ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gan-ket-my-cung-ran-voi-trung-quoc-diem-chi-phoi-cuoc-dua-thu-tuong-nhat-ban-20210904152700739.htm