Gắn kết phát triển du lịch với nông nghiệp, nông thôn

Những năm gần đây, song song với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát triển thêm mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Qua đó không chỉ đem lại thu nhập cho các HTX mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hái chè tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Du khách nước ngoài trải nghiệm hái chè tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Tạo ấn tượng với du khách

Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) hiện có khoảng 1.372ha chè. Nơi đây không chỉ sở hữu những sản phẩm chè ngon nức tiếng mà cảnh sắc thiên nhiên cũng rất phong phú, với những đồi chè xanh ngát hình bát úp trải dài.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, đã khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. Trung bình mỗi năm, HTX đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều đoàn du khách quốc tế.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng một đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Khi xe vừa dừng trước sân nhà, anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX, đôn đả ra mời khách vào khu vực đã được chuẩn bị sẵn những ấm trà và đĩa kẹo lạc trà xanh. Vừa nhấp từng ngụm trà, du khách vừa chăm chú nghe anh Đại giới thiệu về vùng chè nổi tiếng Tân Cương, về HTX, cách chế biến chè theo phương pháp truyền thống cũng như áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại ngày nay.

Bà Gabriela Travaioli, du khách đến từ Brazil, trải nghiệm sao chè theo cách truyền thống tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Bà Gabriela Travaioli, du khách đến từ Brazil, trải nghiệm sao chè theo cách truyền thống tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Sau khi phát cho du khách mỗi người một chiếc nón lá và gùi tre, anh Đại dẫn du khách lên đồi chè phía sau nhà để trải nghiệm việc thu hái. Lần đầu được trải nghiệm việc hái chè khiến nhiều du khách rất thích thú, những tiếng nói chuyện, cười đùa rôm rả. Với những búp chè vừa hái, du khách đã được tận tay trải nghiệm việc sao sấy bằng phương pháp truyền thống.

Bà Gabriela Travaioli, một du khách đến từ Brazil, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Thái Nguyên và tham gia trải nghiệm hái chè. Tôi thấy không khí ở đây rất mát mẻ, dễ chịu như hòa mình vào với thiên nhiên.

Còn bà Gulchachak Gatullia, du khách đến từ Nga, cho biết: Đến vùng trồng chè Tân Cương, tôi được cùng người dân hái và sao chè. Mọi người ở đây rất thân thiện và vui vẻ.

Khu homestay Tân Sơn (xóm Kẹm, xã La Bằng, Đại Từ) nằm giữa những đồi chè xanh mướt, là khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Ảnh: T.L

Khu homestay Tân Sơn (xóm Kẹm, xã La Bằng, Đại Từ) nằm giữa những đồi chè xanh mướt, là khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Ảnh: T.L

Chị Nguyễn Hải Yến, hướng dẫn viên du lịch đang làm việc tại TP. Hà Nội, chia sẻ: Thời gian gần đây, nhiều khách du lịch quốc tế có xu hướng chọn Thái Nguyên để tham quan, trải nghiệm. Một phần bởi họ muốn đi về trong ngày, một phần là do Thái Nguyên có nhiều cảnh sắc thiên nhiên phong phú.

Không riêng HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, hiện trên địa bàn tỉnh còn có nhiều HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực du lịch như: HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); HTX chè La Bằng, xã La Bằng (Đại Từ); HTX du lịch cộng đồng ATK, xã Phú Đình (Định Hóa)…

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Mô hình HTX nông nghiệp kết hợp với làm du lịch không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước mà tạo thêm việc làm, thêm đầu ra cho sản phẩm khi bán cho khách tham quan.

Gỡ khó để phát triển

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 làng nghề; 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao; 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều dòng suối, thác nước, hồ nước… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm du lịch này đã và đang nhận được sự quan tâm của các thành phần kinh tế, nhất là các HTX nông nghiệp.

Vùng trồng hoa tam giác mạch giữa núi rừng Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) thu hút đông đảo du khách tham quan. Ảnh: N.N

Vùng trồng hoa tam giác mạch giữa núi rừng Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) thu hút đông đảo du khách tham quan. Ảnh: N.N

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX gặp những khó khăn nhất định. Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc HTX chế biến nông sản Võ Nhai, bày tỏ: Chúng tôi còn khó khăn về nguồn vốn để đầu tư phát triển du lịch. Do vậy, HTX luôn mong muốn các ngành chức năng của tỉnh có chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn ngân hàng.

Còn bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Hương, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), cho biết: HTX đang phát triển du lịch trải nghiệm, gắn với sản xuất, chế biến chè. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để kết hợp với các dự án về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm của tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp có tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch…

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các HTX, tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các HTX du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ thêm: Sau Hội nghị, từ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với các cấp, ngành, đơn vị liên quan, nhiều khó khăn như nguồn vốn đầu tư, đất đai, môi trường… đã dần được tháo gỡ. Qua đó giúp nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 34 HTX nông nghiệp và dịch vụ kết hợp với du lịch. Các HTX, liên hiệp HTX du lịch đã và đang từng bước hoạt động hiệu quả, với tổng số vốn trên 355 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 thành viên và 650 lao động...

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/gan-ket-phat-trien-du-lich-voi-nong-nghiep-nong-thon-bc603d1/