Gắn kết thế hệ trẻ kiều bào với Tết Nguyên đán truyền thống Việt Nam

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Tết Nguyên đán không chỉ là một lễ hội, mà còn là dịp để kết nối thế hệ trẻ với văn hóa và cội nguồn dân tộc.

Yêu Tết 2025 - một chương trình văn nghệ thường niên do trường Yêu Tiếng Việt tại Australia tổ chức, đã trở thành một nhịp cầu ý nghĩa, lan tỏa hơi ấm quê hương đến trẻ em người Việt trên khắp thế giới.

Không chỉ là một sự kiện, Yêu Tết còn là cầu nối để những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới thêm hiểu, thêm yêu văn hóa quê hương. (Ảnh: Trung Kiên)

Không chỉ là một sự kiện, Yêu Tết còn là cầu nối để những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới thêm hiểu, thêm yêu văn hóa quê hương. (Ảnh: Trung Kiên)

Năm nay, lần đầu tiên sau 5 năm tổ chức, Yêu Tết được diễn ra trong cả hai hình thức trực tiếp tại thành phố Brisbane (Australia) lẫn trực tuyến qua zoom.

Tiếng lòng của những người xa xứ

Khi nhận được thông báo từ cô giáo về việc chuẩn bị tiết mục cho chương trình văn nghệ Yêu Tết của trường, hai chị em Mai An và Hà An ở Brisbane, vô cùng háo hức.

Cả hai nhanh chóng bàn bạc cùng mẹ để chọn ra một màn trình diễn thật ấn tượng, vừa thể hiện tài năng, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.

Chị Mai Phương, mẹ của hai bé, đã nảy ra ý tưởng độc đáo là thành lập nhóm “Tứ tấu đàn dây 4A" tập hợp bốn bạn nhỏ người Việt đang học tại trường Yêu Tiếng Việt để cùng luyện tập bài dân ca Bắc Trung Bộ Bèo dạt mây trôi.

Nhóm “Tứ tấu đàn dây 4A" biểu diễn tiết mục "Bèo dạt mây trôi". (Ảnh: Trung Kiên)

Nhóm “Tứ tấu đàn dây 4A" biểu diễn tiết mục "Bèo dạt mây trôi". (Ảnh: Trung Kiên)

Điểm thú vị là tất cả các thành viên trong nhóm đều có tên bắt đầu bằng chữ “A”: Mai An, Hà An, Tường An và Tú Anh. Trong nhóm, Mai An và Tường An đảm nhận cello, còn Hà An và Tú Anh chơi violin.

Để hỗ trợ các con, chị Mai Phương đã tự mình chuyển soạn phần đệm piano, trong khi bé Mai An thậm chí tự biên soạn lại phần cello từ bản nhạc gốc dành cho viola.

Khi tiếng đàn của nhóm vang lên, không gian chương trình Yêu Tết như lắng lại. Những giai điệu réo rắt, hòa quyện giữa cello và violin, mang theo hơi thở của quê hương Việt Nam giữa khung cảnh Australia xa xôi, khơi dậy trong lòng người nghe một nỗi nhớ quê hương da diết.

Chị Mai Phương xúc động chia sẻ: “Khi đưa bản nhạc này ra, tôi hỏi các con có muốn chơi thử không, các con đều thích và đồng ý luôn. Khi tôi hỏi con có thấy giai điệu này quen thuộc không, con gật đầu.

Tôi đã nghe con tập và biểu diễn nhiều tác phẩm ở nhà cũng như trên sân khấu. Nhưng đây là lần nghe con chơi đàn mà khiến tôi xúc động nhất”.

Anh Minh Trần, bố của bé Tường An, nói: “Ở nước ngoài, các con chơi đàn vĩ cầm, cello thay cho đàn tranh, đàn bầu, nhưng vẫn cố gắng diễn đạt cái hồn một bài dân ca Việt Nam, dẫu còn ngây thơ nhưng đáng yêu và rất đáng khích lệ”.

Sắc màu văn hóa Việt hội tụ

Yêu Tết 2025 không chỉ gói gọn trong phạm vi Brisbane mà còn vươn xa, trở thành sân chơi kết nối cộng đồng người Việt tại nhiều thành phố và quốc gia.

Nhóm lớp YTV51 cùng nhau ca vang bài hát "Về nhà thôi nhé". (Ảnh: Trung Kiên)

Nhóm lớp YTV51 cùng nhau ca vang bài hát "Về nhà thôi nhé". (Ảnh: Trung Kiên)

Từ Melbourne, các bạn nhỏ trong lớp YTV51 cùng nhau ca vang bài hát Về nhà thôi nhé. Bé Alex Quang Vinh chọn một cách thể hiện trẻ trung và hiện đại với bài rap Đi về nhà của Đen Vâu và JustaTee. Hai chị em bé Gemma và Alana lại khiến người xem cảm động với liên khúc nhạc Việt vui tươi và gần gũi.

Tại Metz (Pháp), bé Élise Hà My gây ấn tượng với màn múa Cái Tết giàu đầy cảm xúc. Từ Tokyo (Nhật Bản), bé Bảo Châu khéo léo giới thiệu đến khán giả cách gấp con rắn - linh vật của năm Ất Tỵ, còn bé Chlóe Drolet ở Penang (Malaysia) đã sáng tác một bài thơ chúc Tết.

Hào Hiệp (Brisbane, Australia) thể hiện ca khúc Xin chào Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Và còn nhiều tiết mục độc đáo, ấn tượng đến từ các bạn nhỏ ở nhiều nước khác nhau.

Nơi Tết Việt được gìn giữ và yêu thương

Không chỉ dừng lại ở những màn trình diễn nghệ thuật, Yêu Tết 2025 còn là nơi để các em nhỏ học hỏi và trau dồi thêm kiến thức về văn hóa và Tết Việt.

Qua các câu hỏi, câu đố, trò chơi và phần giao lưu trong chương trình, các em đã có cơ hội khám phá ý nghĩa của từng phong tục, từ ông Công ông Táo, bánh chưng, bánh tét, đến tục lì xì, chúc Tết.

Thạc sĩ Hoàng Thu Thủy, đồng sáng lập trường Yêu Tiếng Việt, chia sẻ: “Chúng tôi luôn khao khát mang đến một không gian để các em nhỏ không chỉ học tiếng Việt mà còn cảm nhận được tinh thần, giá trị của văn hóa Việt.

Nhìn thấy các em hào hứng, say mê tìm hiểu và biểu diễn, chúng tôi càng thêm động lực để tiếp tục các chương trình như thế này".

Bé Colette Chen-Ho và bố biểu diễn tiết mục "Ngày Tết quê em". (Ảnh: Trung Kiên)

Bé Colette Chen-Ho và bố biểu diễn tiết mục "Ngày Tết quê em". (Ảnh: Trung Kiên)

Yêu Tết không chỉ là một sự kiện, mà còn là cầu nối để những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới thêm hiểu, thêm yêu văn hóa quê hương.

Đó là nơi để các em nhỏ học cách trân trọng và tự hào là người Việt Nam, để những giá trị tốt đẹp của dân tộc tiếp tục lan tỏa đến mọi miền.

Những tiếng cười, những giọt nước mắt xúc động và niềm tự hào của cả phụ huynh lẫn các em nhỏ chính là một lời khẳng định rằng, dù có sống xa quê hương, mỗi người Việt vẫn luôn lưu giữ mãi bản sắc văn hóa dân tộc trong tim mình.

Trung Kiên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gan-ket-the-he-tre-kieu-bao-voi-tet-nguyen-dan-truyen-thong-viet-nam-301743.html