Gắn kết tình cảm gia đình thông qua việc lắng nghe, chia sẻ

Buổi lễ 'Tri ân cha mẹ' được tổ chức là dịp để nhiều bạn trẻ, những người con mở lòng, chia sẻ những tình cảm với cha mẹ. Qua đó, thắt chặt thêm sợi dây gắn kết tình cảm trong mỗi gia đình.

Nhiều năm nay, cứ vào tháng 7 âm lịch, tại Tự viện Phước Duyên, phường Hương Long, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) lại diễn ra buổi lễ "Tri ân cha mẹ". Buổi lễ là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa được tự viện tổ chức vào mỗi dịp Đại lễ Vu lan báo hiếu với sự tham dự của đông đảo Phật tử gần xa cùng cha mẹ. Đây cũng là dịp để mọi người tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhắc nhở mỗi người phải biết giữ trọn đạo hiếu của bổn phận làm con.

Trong khuôn viên Tự viện Phước Duyên, buổi lễ "Tri ân cha mẹ" hàng năm được tổ chức giản dị nhưng cũng không kém phần trang trọng. Không gian của tự viện được trang trí bởi hoa đăng, đèn nháy, tranh vẽ, điểm check in… với chủ đề về gia đình, chuyển tải thông điệp "lan tỏa yêu thương, gắn kết tình cảm".

Tại buổi lễ này, những ngọn nến hoa đăng được những người có mặt thắp lên để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Hồi hướng duyên lành đến song thân hiện tại nhiều sức khỏe, an vui, người quá vãng được siêu sinh cõi tịnh.

Hòa thượng Thích Thái Hòa, trụ trì Tự viện Phước Duyên pháp thoại, giảng giải cho mọi người nghe về ý nghĩa của ngày lễ Vu lan, chia sẻ về chữ "Hiếu" trong đạo Phật. Đồng thời, nhắc nhở mọi người dù bộn bề thế nào thì hãy luôn nghĩ về mẹ cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn.

Trong không khí xúc động, người còn cha, còn mẹ được cài lên ngực áo những bông hồng màu hồng. Người mất cha hoặc mất mẹ được cài những bông hồng màu trắng. Mỗi bông hoa được cài lên ngực áo như nhắc nhở mỗi người cần phải trân trọng, nâng niu những gì mình đang có. Từ đó, biết yêu thương hơn cuộc sống này.

Đặc biệt hơn, chương trình được tổ chức cũng là dịp để mọi người cùng ngồi lại, lắng lòng nghĩ về công ơn dưỡng dục, cách báo hiếu cho cha mẹ. Những gì đã làm được, chưa làm được với cha mẹ, người thân để thay đổi, hoàn thiện. Nhiều bạn trẻ đã có lần đầu tiên can đảm nói ra những lời nói yêu thương với cha mẹ. Và ngược lại, cha mẹ cũng đã dành cho con nhiều tâm tư, chia sẻ. Qua đó, thắt chặt thêm sợi dây gắn kết tình cảm trong mỗi gia đình.

Buổi lễ "Tri ân cha mẹ" được tổ chức là dịp để nhiều bạn trẻ, những người con mở lòng, chia sẻ những tình cảm với cha mẹ.

Buổi lễ "Tri ân cha mẹ" được tổ chức là dịp để nhiều bạn trẻ, những người con mở lòng, chia sẻ những tình cảm với cha mẹ.

"Dù gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày nhưng chưa bao giờ em dám trực tiếp nói với ba mẹ là "Con yêu ba mẹ nhiều lắm!" hay "Con cảm ơn ba mẹ!". Chương trình được tổ chức giúp em có cơ hội nói ra được suy nghĩ, tình cảm với ba mẹ. Được chia sẻ mọi điều với ba mẹ thật tốt, như gỡ được "nút thắt" tâm lý ngại ngùng lâu nay", bạn Nguyễn Ánh Thu (phường Hương Sơ, TP Huế) chia sẻ khi tham dự tại buổi lễ tri ân.

Đồng suy nghĩ với Nguyễn Ánh Thu, nhiều bạn trẻ cũng thừa nhận, để nói ra lời yêu thương hay chia sẻ với người thân những buồn vui trong cuộc sống hàng ngày, thoáng nghĩ qua là điều rất dễ dàng, nhưng ít người lại làm được. Thực tế này xuất hiện ở không ít gia đình hiện nay.

Từng tham dự nhiều lần trước đây, nhưng buổi lễ tri ân năm nay là lần để lại nhiều cảm xúc với ban trẻ Trần Xuân Trung (phường Hương Xuân, TX. Hương Trà). Trung chia sẻ, cha mẹ của mình là nông dân, công việc quanh năm vất vả nhưng luôn hết mình vì con cái. Có nhiều tâm sự với cha mẹ, nhưng đây là lần đầu tiên Trung đủ can đảm đứng trước mọi người, đứng trước cha mẹ để chia sẻ tình cảm của mình. Câu chuyện của Trung về cha mẹ cũng khiến nhiều người có mặt xúc động.

"Để nói lời thương với người con gái mình yêu đôi khi chỉ trong một khoảnh khắc. Thế mà, đến hôm nay, mất từng đó năm tháng lớn lên mình mới dám chia sẻ, nói những lời yêu thương với cha mẹ. Khi thấy những đóa hoa trắng được cài trên ngực áo những người khác, mình chợt hiểu là nếu không bày tỏ lúc này thì không biết sẽ còn cơ hội nào nữa. Cảm xúc khi đó thật khó tả!

Thật hạnh phúc khi nói ra được hết những điều mà mình muốn gửi đến cha mẹ lâu nay nhưng cứ giữ ở trong lòng. Hạnh phúc khi còn có cha, có mẹ, còn được nói lời cảm ơn hay câu xin lỗi. Tuy vốn từ hạn chế, khô khan, nhưng đó là những lời từ tận trái tim mà mình muốn gửi đến cha mẹ", Trung xúc động chia sẻ.

Đặt câu hỏi "Mình có thể chia sẻ với một người lạ nào đó về cuộc sống thường ngày, vậy tại sao không mạnh dạn chia sẻ với chính gia đình mình?", Trần Xuân Trung cũng nhắn nhủ đến mọi người, hãy mạnh dạn trò chuyện, thể hiện tình cảm với cha mẹ, với những người thân trong gia đình mỗi ngày và mỗi khi có cơ hội.

Có mặt cùng con tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa, theo bà Phạm Thị Bích Thủy (phường Hương Long, TP Huế), với mỗi cá nhân, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc không gì có thể thay thế. Một gia đình hạnh phúc phải được vun đắp từ tình cảm của các thành viên. Do đó, việc các thành viên trong gia đình duy trì giao tiếp, lắng nghe, chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống hàng ngày là hết sức quan trọng.

"Mỗi cá nhân đều có nhu cầu được lắng nghe và được chia sẻ. Có những câu chuyện mà đối tượng lắng nghe, chia sẻ chỉ có thể là những người thân trong gia đình. Việc các con hay cha mẹ chủ động mở lòng, chia sẻ những tình cảm, những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là giúp con cái và cha mẹ gần gũi, hiểu nhau, yêu thương nhau hơn. Thông qua đó, thắt chặt thêm sợi dây gắn kết tình cảm trong mỗi gia đình", bà Phạm Thị Bích Thủy cho hay.

Phong An

*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gan-ket-tinh-cam-gia-dinh-thong-qua-viec-lang-nghe-chia-se-20240902130722103.htm