Gió đồng bằng trong Bước gió truyền kỳ

Hình tượng gió trong Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng đã cho thấy một chiều dài hào khí của lịch sử dân tộc, một thời đại nóng hổi những thách thức. Cho cả đất và người đồng bằng một niềm kiêu hãnh chung.

Nhà thơ Phan Hoàng và trường ca Bước gió truyền kỳ. Thiết kế: YÊN LAN

Nhà thơ Phan Hoàng và trường ca Bước gió truyền kỳ. Thiết kế: YÊN LAN

Tôi gặp nhà thơ Phan Hoàng trong một lần anh về Cần Thơ dự ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam. Đó là lần đầu tôi được gặp nhà thơ ngoài đời, trông anh nho nhã, lịch thiệp. Cùng trò chuyện, càng thấy ở anh một sự thâm trầm, thấu đáo với con chữ. Cả những khi vui tếu ngoài lề, tôi vẫn cảm nhận được nguồn cảm hứng văn học bất tận trong anh.

1. Bêlinxki, nhà phê bình Nga, đã viết: “Nhà thơ tư duy bằng hình tượng, nhà thơ không chứng minh, mà trình bày bằng chân lý”. Quan điểm này đã chỉ rõ những thuộc tính cơ bản của hình tượng nghệ thuật chính là bản chất của nghệ thuật thơ ca. Đi tìm chân lý, đi tìm cái đẹp từ sự rung cảm của chính tác giả. Và hình tượng gió trong Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng đã cho thấy một chiều dài hào khí của lịch sử dân tộc, một thời đại nóng hổi những thách thức. Cho cả đất và người một niềm kiêu hãnh chung.

Đọc Phan Hoàng, ta phải đọc bằng tâm thế của kẻ đi tìm cái đẹp, đi tìm cái hồn. Chậm rãi, từ tốn, và hết sức nghiêm túc.

Sau mỗi chuyến tốc hành/ ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ, sân ga cong cong dáng sông dáng núi/ lồng lộng Đá Bia/ oai linh tinh hoa trời đất hào hiệp sông Ba/ thiêng liêng dòng sữa sinh thành (Gió tiếp sức ước mơ).

Cả một niềm thương, niềm kiêu hãnh được toát lên từ khí phách núi sông, từ hào khí dòng máu Lạc Hồng, từ gốc rễ cội nguồn dân tộc. Gió tiếp sức ước mơ truyền sang tôi cảm hứng cách mạng, chí ít là ở người cầm bút từ chất anh hùng ca và khả năng gợi mở của câu từ. Nó quyết liệt, hào sảng mà cũng đầy cuốn hút, tinh tế.

Tôi hoàn toàn thống nhất với TS Mai Thị Liên Giang khi cho rằng: “Gió là một ký hiệu mở, đa nghĩa. Nó không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà còn là sự biểu đạt đa dạng, sinh động của tất cả các trạng thái sống, các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời”. Gió trong Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng không chỉ phản ánh hiện thực đời sống mà còn đậm chất trữ tình. Gân guốc, mạnh mẽ “mỗi ngọn gió mở ra một con đường” mà cũng thật ngọt ngào, sâu lắng “sông xưa gió vọng tiếng cười lưng trâu”. Ngọn gió ấy, nghìn đời nay nơi đất phương Nam vẫn luôn phần phật. Khi ào ạt, lúc dịu nhẹ, khi cuồng nộ, lúc dịu êm, khi gan lỳ, lúc đầy khát vọng.

Ngoài tính khái quát mang tính lịch sử, tính thời đại, tôi vẫn thấy đâu đó ở gió toát lên sự “đau nhức” về những mặt trái của xã hội.

Gió ơi, đất trời cao rộng bốn phương/ bay đường

nào con người bớt khổ đau? (Gió tiếp sức ước mơ).

Chính phạm trù thông điệp, cách tạo câu hỏi tu từ đã làm nên tính thẩm mỹ cho gió bởi gió cũng có những trọng trách, cảm xúc của riêng mình.

Ngược hướng đường mòn khẩn hoang

Hạt nắng phương Nam lặng lẽ địa đầu rừng thiêng phía bắc…

Đất phương Nam, vùng đất khai hoang với cánh rừng, cửa sông, muông thú… “nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se đắng/ nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương” trong Gió khẩn hoang thanh thoát mà dũng mãnh, nhắc ta về một thời kỳ biến đổi đầy khắc nghiệt, mất mát mà cũng thật khí phách, đậm tình người của cha ông, nhắc ta về Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi…

Những ngôi sao xanh đâu đó từ phương Nam hiện ra/ những hơi thở ái ân đâu đó từ phương Nam dậy hương/ những tiếng khóc sơ sinh đâu đó từ phương Nam cất lên/ trong hương rừng quyện mùi hương biển (Gió dựng thành lũy biên cương).

Con người trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định, bằng hoạt động thực tiễn đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Người đồng bằng cũng vậy, từ ăn ở, sinh hoạt, làm việc, làm nông, các mối quan hệ, ứng xử… đã làm nên cốt cách họ, không lẫn vào đâu được. Và khi đất nước lâm nguy, họ người áo vải cũng trở nên anh hùng “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu). Ở đây, cảm hứng lãng mạn với nguyên tắc lịch sử đã làm nên hoàn cảnh điển hình, hình tượng điển hình: Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ Mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương (Gió dựng thành lũy biên cương).

Cả một niềm thương, niềm kiêu hãnh toát lên từ khí phách núi sông. Thiết kế: YÊN LAN

Cả một niềm thương, niềm kiêu hãnh toát lên từ khí phách núi sông. Thiết kế: YÊN LAN

2. Nhà thơ Phan Hoàng quê Phú Yên, nhưng anh đã “Bắc yêu thương những nhịp cầu đồng dao” cho tất cả chúng ta. Từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan, Bước gió truyền kỳ đã vang dội trong ta một sự vô cùng. Gió của “Cha Lạc Long Quân” và “Mẹ Âu Cơ”. Gió bước từ Bắc vào Nam. Gió từ biển cả đến sông quê. Gió từ núi cao đến đồng bằng. Ngọn gió kết tình dân tộc, xóa mọi lằn ranh. Ngọn gió tri ân ngàn năm dựng nước, ngàn năm giữ nước. Ngọn gió chắc nịch rằng: di sản dân tộc, văn hóa dân tộc, hào khí dân tộc, vẫn đó và muôn đời. Cảm ơn người mở đường/ hóa thân bước gió truyền kỳ/ ta lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc/ uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm/ dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người (Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại).

Đọc Bước gió truyền kỳ, tôi cảm nhận một sự định vị mới về thơ ca trong cách viết mới của tác giả. Một sự khai phóng táo bạo. Vẫn là trường ca, vẫn bi tráng. Nhưng hiện đại trong lớp từ, kết cấu và giọng điệu, dẫn dắt suy nghĩ người đọc từ hình ảnh liên tưởng, gợi mở trùng trùng điệp điệp ấy: Gió mở đường bay/ Đồng dao nghịch gió/ Cuộc trò chuyện giữa gió và núi/ Gió tiếp sức ước mơ… Ở đây, gió đã có những bước đi linh động, uyển chuyển đầy gợi cảm, sâu thẳm và trải rộng. “Gió xuôi chín khúc sông rồng/ Tây Nam mùa gió chướng/ linh hồn gió/ gió cõng hương qua núi đồi/ gió dựng thành lũy biên cương”, tôi cứ có cảm giác về một luồng linh khí kỳ bí, kỳ vĩ chuyển dịch, hiện về. Rộng khắp không gian những tấm khố, nỏ thần, gươm báu, ngựa sắt; những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn… Hóa thân bước gió chủ quyền truyền kỳ/ ta bay giữa những đám mây tụ đầy khí thiêng ngàn năm tuổi xanh ra đi nhập hồn núi sông biển đảo/ cùng những vì sao nhấp nha nhấp nhổm nụ cười lẩn trốn hơi thở nóng bỏng lứa đôi sum họp bềnh bồng bềnh bồng đỏ mặt rạng đông.

Bước gió truyền kỳ từ tốn cuốn hút bằng con chữ mang nhiều ký hiệu, nhẹ nhàng ngấm vào người đọc bằng những triết lý nhân sinh thuyết phục. Nếu tìm được đường bay vàng hội nhập bình yên/ rộng mở chân trời nhân văn giống nòi Lạc Việt/ hãy tự tin trúc mai/ hiên ngang phong ba/ vững vàng tùng bách/ mạnh mẽ như ngọn gió thiêng dựng thành lũy biên cương (Gió dựng thành lũy biên cương). Không phải bàn cãi về sự chiêm nghiệm, tư duy, quan điểm hết sức sâu sắc, bản lĩnh và trí tuệ của tác giả, tôi muốn nói, đó cũng chính là nhân sinh quan, là tình cảm của người đồng bằng. Yêu đất nước, yêu quê hương, yêu dân tộc trong mọi cuộc hành trình từ “tiếng vó ngựa” đến “cái click chuột”. Sự oai hùng của giống nòi là bất diệt.

Người nghệ sĩ với vốn sống phong phú, vốn học sâu rộng, trí suy tưởng dồi dào cùng sự tinh tường về thi pháp cũng chưa thể làm nên Bước gió truyền kỳ của lịch sử, của thời đại, của văn học đến vậy. Ở nhà thơ Phan Hoàng, phải ngập đầy một tình yêu lớn dành cho đất nước, dành cho dân tộc, dành cho con người. Và tôi tin, trong đó, có đồng bằng.

Mênh mông Bước gió truyền kỳ, tôi nghĩ mình chưa chạm vào được. Chỉ mạo muội ngắm nhìn thôi.

BẢO BÌNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320663/gio-dong-bang-trong-buoc-gio-truyen-ky.html