Gần một nửa người trẻ muốn sống không có Internet

Một cuộc khảo sát mới tại Anh cho thấy gần một nửa số người từ 16 đến 21 tuổi ủng hộ ý tưởng thế giới không có Internet.

Khảo sát do Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) thực hiện với gần 1.300 người trẻ, đã làm dấy lên nhiều tranh luận về ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số đến sức khỏe tâm thần thế hệ trẻ.

Nghiên cứu cho thấy gần 70% người trẻ cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân sau khi dành thời gian trên mạng xã hội. Tỉ lệ này cho thấy cảm giác bất an, so sánh và áp lực trực tuyến đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong nhóm tuổi vốn được xem là thành thạo và cởi mở với công nghệ nhất.

Đáng chú ý, một nửa số người được khảo sát ủng hộ ý tưởng áp dụng “giờ giới nghiêm kỹ thuật số”, hạn chế quyền truy cập vào một số ứng dụng và nền tảng sau 10 giờ tối. Đây là một tín hiệu đáng lưu ý, khi chính những người trẻ đang chủ động tìm cách tách mình khỏi không gian mạng vốn được thiết kế để giữ chân họ càng lâu càng tốt.

Một số người thừa nhận từng che giấu cha mẹ về nội dung họ truy cập (42%), khai sai độ tuổi khi đăng ký dịch vụ hoặc sử dụng tài khoản ẩn danh (42%). Cá biệt, có người thừa nhận từng giả danh thành người khác khi lên mạng (27%).

Những trải nghiệm này cho thấy người trẻ không chỉ bị động tiêu thụ nội dung mà còn tham gia vào những hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát, đôi khi dẫn đến rủi ro an toàn thông tin và ảnh hưởng tâm lý lâu dài.

 Khảo sát cho thấy các hành vi trực tuyến của giới trẻ. Đồ họa: TIỂU MINH

Khảo sát cho thấy các hành vi trực tuyến của giới trẻ. Đồ họa: TIỂU MINH

Trong bối cảnh này, giới chức Anh bắt đầu cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp giới hạn giờ truy cập cho những ứng dụng phổ biến như TikTok hay Instagram.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Rani Govender, giám đốc chính sách an toàn trực tuyến cho trẻ em tại tổ chức NSPCC, cho rằng một lệnh giới nghiêm kỹ thuật số không thể giúp trẻ em tránh hoàn toàn các nội dung độc hại, vì chúng vẫn sẽ tiếp cận những rủi ro này vào các thời điểm khác trong ngày. Bà nhấn mạnh rằng mục tiêu cần hướng tới là xây dựng môi trường mạng an toàn hơn ngay từ thiết kế, giảm yếu tố gây nghiện và kiểm soát nội dung hiệu quả hơn.

Kết quả khảo sát cũng phản ánh tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, khi 3/4 số người trẻ cho biết họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng kể từ sau đại dịch, và phần lớn cảm thấy điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

 Nhiều người trẻ ủng hộ ý tưởng thế giới không có Internet. Ảnh: Pexels

Nhiều người trẻ ủng hộ ý tưởng thế giới không có Internet. Ảnh: Pexels

Andy Burrows, đại diện tổ chức Molly Rose Foundation chuyên hỗ trợ phòng ngừa tự tử ở thanh thiếu niên, nhận định rằng người trẻ ngày nay không chỉ nhận thức rõ rủi ro trực tuyến mà còn muốn các công ty công nghệ hành động mạnh mẽ để bảo vệ họ. Ông nhấn mạnh rằng các thuật toán hiện tại có thể nhanh chóng đẩy người dùng trẻ tuổi tiếp xúc với nội dung tiêu cực, dù họ không chủ ý tìm kiếm.

Khảo sát của BSI không chỉ phản ánh tâm lý người trẻ trong thời đại số, mà còn là hồi chuông cảnh báo dành cho các nền tảng mạng xã hội và nhà hoạch định chính sách.

Khi chính thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số bắt đầu mong muốn quay lưng với Internet, đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách công nghệ đang được thiết kế và vận hành, không phải chỉ để thu hút, mà là để bảo vệ người dùng, đặc biệt là những người dễ tổn thương nhất.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-mot-nua-nguoi-tre-muon-song-khong-co-internet-post850731.html