Gắn nghiên cứu phục vụ đời sống xã hội
Trong tiến trình phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (CNSH, ĐH Huế) thành một trung tâm CNSH cấp quốc gia tại miền Trung theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt Quyết định số 523/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018), Viện CNSH, ĐH Huế đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học các cấp và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Nhiều công trình có giá trị
Thực hiện nội dung nghiên cứu thử nghiệm mô hình phòng bệnh trong đề tài nhánh “Nghiên cứu và phát triển chế phẩm vi sinh phòng chống nấm bệnh Phytophthora spp. trên bưởi thanh trà, sau những đợt xử lý đầu tiên bệnh chảy gôm trên cây có múi ở mô hình đánh giá hiệu quả của chế phẩm tại vườn thanh trà tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, nhóm nghiên cứu của Viện CNSH, ĐH Huế đã ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan trong việc phòng trừ bệnh.
TS. Nguyễn Bảo Hưng, Chủ nhiệm đề tài nhánh trên chia sẻ: “Đề tài này thuộc chương trình Khoa học cấp bộ năm 2022. Mục đích của đề tài nhằm tạo ra chế phẩm đối kháng vi sinh có hoạt tính enzyme, nhằm chống lại nấm bệnh nhưng thân thiện với môi trường, không có hại cho con người. Bước đầu, thử nghiệm thành công ở quy mô phòng thí nghiệm và vườn ươm. Tương lai, chế phẩm này có thể áp dụng phòng chống bệnh chảy gôm, là bệnh phổ biến trên cây có múi trong đó có thanh trà”.
Phường Hương Vân là vùng trồng thanh trà lớn và khá nổi tiếng ở Huế, đã được công bố nhãn hiệu tập thể từ lâu. Thời gian qua, bệnh chảy gôm trên cây có múi do nấm bệnh Phytophthora gây nên dẫn đến nhiều thiệt hại làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng, làm cho cây còi cọc và chết. Thông thường, người ta sử dụng thuốc hóa học để trị bệnh. Song, việc sử dụng hóa chất tuy cho tác dụng tức thời nhưng tác hại lâu dài của nó đến môi trường sống và con người thì vô cùng nghiêm trọng.
Ông Trần Chương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Vân cho biết: “Lâu nay người dân rất lo lắng về các bệnh trên cây thanh trà. Đề tài nghiên cứu thành công giúp cây thanh trà không bị bệnh, năng suất nâng lên rất nhiều, lại an toàn cho bà con, góp phần thúc đẩy kinh tế nên chính quyền và người dân rất kỳ vọng.”
Không chỉ “giải” những bài toán khó trong khoa học công nghệ cho địa phương, hiện, Viện CNSH, ĐH Huế cũng đã và đang triển khai nhiều đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp ĐH Huế. Trong đó, rất nhiều đề tài gắn nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho sản xuất, trồng trọt.
TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế, chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh tạo một số sản phẩm phòng chống bệnh hại cây trồng chủ lực khu vực miền Trung” cho biết, ớt là một trong những gia vị quan trọng nhất trong ẩm thực của các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, là cây trồng chính thứ tư trên toàn cầu. Tuy nhiên, cây ớt đang chịu ảnh hưởng rất lớn của sâu bệnh, gây thiệt hại lên đến 80% sản lượng quả hàng năm. Trong đó, nấm thán thư Colletotrichum spp. được đánh giá là tác nhân bệnh hại chính, gây tổn thất lớn cả trước và sau khi thu hoạch.
Ngày nay, với việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững thì việc phát triển các sản phẩm vi sinh thân thiện, an toàn với môi trường để phòng chống bệnh trên cây trồng là thiết yếu. Nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Thị Diễm Thi, Viện CNSH, ĐH Huế dẫn đầu đã xác định được 5 loài Colletotrichum gây bệnh trên ớt. Song song với đó, nhóm nghiên cứu cũng đã phân lập và tuyển chọn được 4 chủng vi khuẩn đối kháng mạnh với các loài nấm thán thư đã thu nhận. Đến nay, nhóm đã phát triển được chế phẩm và đưa ra thử nghiệm trên mô hình trồng ớt tại các huyện Phú Vang và Phong Điền. Kết quả bước đầu cho thấy chế phẩm đạt hiệu quả phòng chống nấm bệnh thán thư từ 80-85% và có tiềm năng ứng dụng để phòng chống bệnh thán thư trên ớt trong tương lai.
Một đề tài nhánh khác cũng rất đáng chú ý là “Nghiên cứu và phát triển chế phẩm vi sinh có hoạt tính enzyme cao phòng chống bệnh héo rũ trên cây lạc trồng ở khu vực miền Trung” do TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế làm chủ nhiệm. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, năm 2020, diện tích lạc của nước ta có khoảng 169,7 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 2,51 tấn/ha, sản lượng đạt 425,5 nghìn tấn (niên giám thống kê, 2021). Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu nóng ẩm kết hợp với sự gia tăng về diện tích trồng và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trên cây lạc làm phát sinh ngày càng nhiều các đối tượng bệnh hại làm giảm năng suất và sản lượng của cây lạc. Trong đó, chiếm đa số và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất là bệnh do các loài nấm có nguồn gốc trong đất và truyền qua hạt giống như Aspergillus spp., Sclerotium rolfsii,…
Sau gần 2 năm nghiên cứu, nhóm đề tài đã phân lập, tuyển chọn và định danh được 5 chủng vi khuẩn Bacillus spp. có hoạt tính enzyme cao và có khả năng đối kháng tốt với nấm Aspegillus niger gây bênh héo rũ gốc mốc đen hại lạc tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung. Từ đó nghiên cứu thành công tạo chế phẩm vi sinh với hoạt lực enzyme β-1-3-glucanase cao và ứng dụng cho các vùng trồng lạc ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. 4 mô hình thử nghiệm chế phẩm vi sinh được thực hiện tại huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho hiệu lực phòng trừ bệnh trên 80%. Kết quả này cho thấy việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong phòng trừ bệnh héo rũ trên cây lạc ở Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung mang lại hiệu quả cao, giúp cho người dân trồng lạc có thêm sản phẩm an toàn để phòng trừ bệnh hại.
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ
Trong năm học 2022-2023, Viện CNSH, ĐH Huế là đơn vị chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ/đề tài được phê duyệt mới trong năm, điển hình như các đề tài cấp Nhà nước thuộc “Đề án phát triển công nghiệp sinh học và ngành nông nghiệp đến năm 2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ quản. Bên cạnh đó, Viện CNSH, ĐH Huế đang thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 4 đề tài độc lập cấp Quốc gia, 1 dự án cấp Quốc gia, 1 chương trình cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 6 đề tài cùng rất nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp ĐH Huế, đề tài Nafosted.
Hiện, Viện CNSH, ĐH Huế tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực chuyên môn như: “Ứng dụng Công nghệ gen trong Nông nghiệp”, “Công nghệ sinh học vi sinh vật”; “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển cây dược liệu” và “Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực tế bào và bảo vệ môi trường”.
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, để thực hiện Đề án phát triển Viện theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Huế đã có chỉ đạo sát sao việc xây dựng định hướng nghiên cứu ưu tiên trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2024-2025, Viện sẽ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu công nghệ nguồn, công nghệ gen để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, môi trường và y dược. Đối với nông nghiệp, sẽ phát triển các chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Kít chuẩn đoán, vaccine, giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu với dịch bệnh, đặc biệt khai thác nguồn gen chịu hạn để tạo cây lúa và cây cà chua chịu hạn, sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với thủy sản, tiếp tục phát triển các Kit chuẩn đoán, các chế phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản, các con giống đặc sản của Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng; đối với lĩnh vực dược liệu, tập trung khai thác và phát triển các loại dược liệu bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chống lão hóa và hạn chế thoái hóa thần kinh; đối với lĩnh vực môi trường bên cạnh các chế phẩm sinh học kết hợp giữa vi sinh vật và vật liệu trong xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, các nhóm nghiên cứu tiếp tục tập trung xây dựng các hướng nghiên cứu về xử lý môi trường nước có chất thải hữu cơ, kim loại nặng.