Gần rừng, gần dân
Là lực lượng gần rừng, gần dân, kiểm lâm địa bàn đã thực hiện tốt vai trò 'cánh tay nối dài' của chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 395.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 256.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,37%, thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao của cả nước. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng kiểm lâm địa bàn, những người lặng thầm giữ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” nơi biên cương Tổ quốc.

Tại Trạm Kiểm lâm số 4 ở thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) có 6 cán bộ kiểm lâm đang ngày đêm quản lý, bảo vệ hơn 8.400 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 7.700 ha rừng đặc dụng. Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, công việc không ít khó khăn, đặc biệt trong mùa khô, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực.

Anh Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 4 chia sẻ: “Ngày mới lên nhận nhiệm vụ, tôi dành cả tháng đi từng thôn bản, cùng làm việc, cùng ăn, ở với dân để học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục, tập quán thì tuyên truyền mới hiệu quả”.

Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn từ lâu đã trở thành người thân của đồng bào vùng cao, cùng người dân lao động, sản xuất. Vào mùa vụ sản xuất, cán bộ kiểm lâm cùng bà con ra ruộng, lên nương làm việc như lao động chính trong gia đình. Nội dung tuyên truyền được lồng ghép qua những cuộc trò chuyện đời thường, gần gũi. Từ đó, bà con ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện và xử lý kịp thời ngay tại cơ sở.

Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn còn tích cực vận động, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế dưới tán rừng. Tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, mô hình trồng quế đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Ít ai biết rằng, nhiều năm về trước, người dân nơi đây còn e ngại khi được cán bộ tuyên truyền, vận động trồng quế. Chỉ có một vài hộ mạnh dạn trồng thử nghiệm, dần dần tăng lên vài ha, đến nay, toàn xã đã có hơn 3.300 ha quế.

Cùng với đó, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã chủ động đồng hành với người dân từ khâu lựa chọn cây giống, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đến nay, người dân đã tin tưởng và gắn bó với cây quế, coi đây là một hướng phát triển kinh tế lâu dài.


Toàn tỉnh hiện có gần 200 kiểm lâm địa bàn được bố trí về các xã, phường, thị trấn, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tại chỗ tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân sống gần rừng.

Mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn hiện phụ trách bình quân khoảng 2.000 ha rừng, chủ yếu tại các xã vùng cao, đi lại khó khăn. Công việc vất vả, nhiều rủi ro, nhưng với phương châm “bám chính quyền, bám dân, bám rừng”, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phát huy vai trò tham mưu hiệu quả cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng các phương án bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Từ cuối năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện đưa cán bộ kiểm lâm địa bàn về làm việc tại trụ sở UBND các xã, thị trấn thay vì làm việc tại các trạm kiểm lâm như trước đây, nhằm đưa kiểm lâm địa bàn đến gần người dân hơn, gần rừng hơn, qua đó tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng này trong giai đoạn mới, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho kiểm lâm địa bàn, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện phục vụ tuần tra, giám sát và phòng, chống cháy rừng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu số trong quản lý rừng; đẩy mạnh phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư, để công tác bảo vệ và phát triển rừng thực sự trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy và gần gũi với Nhân dân, lực lượng kiểm lâm địa bàn tỉnh Lào Cai đang góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế rừng.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/gan-rung-gan-dan-post402102.html