Gắn sản xuất và tiêu thụ sầu riêng để tránh bị rớt giá

Tại Diễn đàn 'Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững' do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 11.9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ phải gắn kết chặt chẽ để tránh rơi vào bi kịch rớt giá như nhiều mặt hàng khác.

Tranh mua tranh bán, loạn giá

Cả nước hiện có hơn 112.000ha sầu riêng với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn, tập trung ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số địa phương khác. Giá trị xuất khẩu sầu riêng liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu USD năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD - gấp 3 lần so với cả năm 2022. Tính đến tháng 8.2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, ngành hàng sầu riêng đã rơi vào "cái bẫy" mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan từng cảnh báo; đó là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, tỉnh hiện có khoảng 23.000ha sầu riêng, trong đó 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200.000 tấn. Việc liên kết, thu mua sầu riêng theo 3 hình thức.

Thứ nhất, doanh nghiệp đặt cọc với người trồng cách thời điểm thu hoạch 1 - 2 tháng bằng hợp đồng mua bán; số tiền đặt cọc bằng khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn. Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa. Thứ ba, một số đối tượng thương lái, “cò” vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Chính điều này đã gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa Lê Anh Trung cho biết, đã cam kết cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng cho các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay giá sầu riêng tăng quá cao khiến một số khách hàng có động thái muốn cắt giảm đơn hàng. Tập đoàn có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng nhưng thương lái, và “cò” ồ ạt xuống vườn để chốt, đặt cọc, gây phân tâm cho nông dân.

"Trong mỗi ký hàng là trách nhiệm với quốc gia"

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk Y Djoang Niê cho rằng, hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, không tuân thủ hợp đồng, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… đã và đang ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng Việt Nam.

Dự kiến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD. Để ngành tiến xa hơn nữa, ông Y Djoang Niê kiến nghị các cơ quan quản lý hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng. Bộ Công thương sớm kết nối, tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn và hỗ trợ huyện quản lý, giám sát bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu sầu riêng. Các cơ sở kinh doanh hợp tác chặt chẽ giữa các hộ dân trồng sầu riêng đẩy mạnh liên kết sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói tiêu thụ theo đúng quy định kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc. Người dân cũng cần nâng cao nhận thức về quy định an toàn chất lượng, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sầu riêng…

Dự kiến năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 1,6 tỷ USD

Dự kiến năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 1,6 tỷ USD

Nhắc lại vấn đề trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Vũ Đức Côn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đánh giá, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Nếu không sẽ rất “gay go” cho sầu riêng trồng xen. Ngoài ra, Bộ cần ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; đồng thời tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp mã vùng trồng từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đại diện các doanh nghiệp mong muốn, cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết giá trị thực của quả sầu riêng; tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho bà con nông dân để ổn định giá cả, chất lượng. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các hợp tác xã, người nông dân.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, gía sầu riêng đang ở mức cao là cơ hội và cũng là thách thức lớn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, cần lường trước những khó khăn, thách thức trong tương lai.

“Trước đây có nhiều ngành hàng nông sản có tiềm năng, được giá nên ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào "bi kịch" rớt giá. Chính vì vậy, khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ cần phải gắn kết chặt chẽ. Chính quyền, doanh nghiệp và nông dân chịu trách nhiệm với hình ảnh nền nông nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp phải thẩm thấu được, bên cạnh lợi nhuận trong mỗi ký hàng còn là trách nhiệm với quốc gia. Các đơn vị phải mở rộng từ quan hệ mua bán trở thành hợp tác lâu dài, cùng nhau phát triển. Trong tương lai, Bộ sẽ phác thảo về những quy chuẩn chi tiết để người nông dân có căn cứ để làm theo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/gan-san-xuat-va-tieu-thu-sau-rieng-de-tranh-bi-rot-gia-i342657/