Đòn bẩy để cơ sở giáo dục nghề nghiệp đột phá trong đào tạo nghề

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là đòn bẩy để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có những đột phá trong đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước.

Hà Nội tập trung đầu tư các ngành, nghề trọng điểm

Hà Nội là trung tâm văn hóa – chính trị của cả nước, nơi tập trung nhu cầu nguồn nhân lực lớn đa dạng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với 199 cơ sở GDNN, trong đó có 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc TP là hệ thống chủ đạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào thị trường lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang lại giá trị GDP của cả TP và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giờ thực hành nghề Công nghệ ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Giờ thực hành nghề Công nghệ ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Trong những năm qua, thực hiện Luật Thủ đô, TP Hà Nội luôn quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Hà Nội tập trung đầu tư vào các ngành, nghề trọng điểm. Toàn TP hiện có 16 trường trung cấp, trường cao đẳng công lập được lựa chọn 29 nghề trọng điểm; trong đó có 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ Asean, 14 nghề cấp độ quốc gia.

Thông tin về kết quả ban đầu đạt được của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được đầu tư trong giai đoạn vừa qua, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình cho hay: Hoạt động GDNN tại các trường đã và đang đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần phát triển hệ thống GDNN của TP cả về quy mô cũng như chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.

Những điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Những điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng (chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối mới đào tạo nghề. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được DN, xã hội và người học đánh giá cao; kỹ năng nghề nghiệp của học viên sau khi tốt nghiệp đã được thị trường lao động chấp nhận và đánh giá mức độ đáp ứng tốt. Trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số trường, có tới gần 100% người học có việc làm khi mới ra trường.

Hoạt động liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, DN và người học trong tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đạt hiệu quả cao.

Hành lang pháp lý để trường nghề đào tạo nhân lực chất lượng cao

Luật Thủ đô (sửa đổi), Điều 16 Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quy định: HĐND TP quyết định các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Theo lãnh đạo các trường cao đẳng, với những quy định về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho việc sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho các cơ sở đào tạo thuộc TP quản lý.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề của các trường được DN, xã hội và người học đánh giá cao.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề của các trường được DN, xã hội và người học đánh giá cao.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình thông tin: Hiện nay, chi phí đào tạo cho 1 sinh viên thuộc lĩnh vực GDNN rất lớn, đặc biệt đối với nhóm ngành, nghề công nghệ, kỹ thuật; nếu chủ sử dụng từ nguồn thu từ học phí sẽ chỉ đáp ứng được đào tạo nhân lực ở mức cơ bản, không thể đào tạo nhân lực chất lượng cao. Do vậy, sự hỗ trợ, đầu tư của TP về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyển đổi số; đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo... sẽ là đòn bẩy để các cơ sở GDNN có những đột phá trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực cao, đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn TP; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP” là phù hợp với mục tiêu phát triển GDNN TP và tạo động lực để các cơ sở GDNN tự chủ và phát triển.

Trên 80% người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Trên 80% người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là một trong 45 trường cao đẳng trên toàn quốc và là 1 trong 2 trường cao đẳng thuộc UBND TP Hà Nội được Chính phủ phê duyệt là cơ sở GDNN chất lượng cao. Trong những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã được TP Hà Nội quan tâm đầu tư các nghề trọng điểm quốc tế và khu vực Asean từ ngân sách Trung ương và TP với kinh phí 99 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, tranh thủ vận động sự tài trợ của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực Hà Nội. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các DN, cơ sở giáo dục đại học, GDNN quốc tế với số tiền quy đổi phục vụ cho đào tạo lên tới 50 tỷ đồng.

Với mục tiêu đào tạo gắn với DN, với sản xuất và kinh doanh, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp cùng DN đào tạo kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp cho sinh viên tại trường, sau đó các em được trực tiếp học tập, thực tập thực tế với vai trò là kỹ thuật viên tại các DN sản xuất thông minh như VinFast, FUNA-AI Việt Nam,... Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của nhà trường được xã hội đánh giá cao; sinh viên sau tốt nghiệp đã có chứng nhận của các DN uy tín và nhận được các chế độ ưu tiên khi tham gia vào thị trường lao động Thủ đô, trong nước và quốc tế.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/don-bay-de-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-dot-pha-trong-dao-tao-nghe.html