Gần tết, lại bàn chuyện Nghị định 100
Hơn 1 năm trước, ngày 1/1/2020 Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, cả xã hội bước vào cuộc chiến 'đã uống rượu, bia không lái xe'. Điểm nổi bật của Nghị định 100 là tăng cao mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt lên tới 40 triệu đồng và tước GPLX 2 năm đủ sức răn đe các 'ma men' đang ngồi sau tay lái. Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đồng loạt ra quân lập chốt kiểm tra, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm nồng độ cồn. Những ngày này 1 năm trước và trong dịp Tết Canh Tý, Nghị định 100 là từ khóa hót nhất, ngồi ở đâu trong nhà hay ngoài đường đều nghe người dân sôi nổi bàn chuyện Nghị định 100, ủng hộ có, phản đối có và cả nghi ngờ cũng có.
Gần tết
Chỉ sau một thời gian ngắn, Nghị định 100 làm ngành sản xuất rượu, bia sụt giảm mạnh doanh thu, nhiều quán nhậu, phố nhậu “vắng như chùa Bà Đanh”, nhưng bù lại số người chết vì TNGT giảm mạnh. Ngay trong Tết Canh Tý 2020 (tức là chỉ sau 25 ngày thực hiện Nghị định 100), số vụ TNGT do rượu, bia giảm đến 75%, các ca cấp cứu liên quan đến rượu, bia cũng giảm đáng kể. Để “tồn tại”, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã hỗ trợ khách đặt xe, gọi xe, giữ xe qua đêm, thậm chí có xe đưa khách về nhà. Ý thức các lái xe thay đổi, hầu hết các tài xế chuyên nghiệp đã nói không với rượu, bia khi phải lái xe. Những bữa tiệc cưới, tất niên, họp mặt không rượu, bia ngày càng nhiều. Hầu hết người dân có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để đi nhậu, khi tàn cuộc ra về cũng tự lái xe để đi về, rất ít người sử dụng phương tiện công cộng. Giờ mọi người đã biết lên phương án đi lại cho mình trong trường hợp phải đi dự tiệc, hoặc các bữa ăn có rượu, bia.
Thống kê chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị định 100 (1/2020-1/2021), cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý trên 185.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn (trong đó xe máy chiếm 80%, ô tô 20%). Rất nhiều trường hợp sử dụng rượu, bia khi lái xe rơi vào các dịp lễ, tết, hội hè... Tuy nhiên năm qua cũng có những thời điểm việc thực hiện Nghị định 100 bị “chùng” xuống do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Đó là thời điểm dịch bùng phát, rất nhiều người lo ngại thổi vào ống đo nồng độ cồn có thể lây nhiễm virus corona, hoặc thời điểm giữa năm 2020, khi các quán nhậu, nhà hàng được phép mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều người đã cố tình “quên” Nghị định 100, vô tư uống rượu, bia rồi lái xe về nhà. Nói vậy để thấy rằng dù Nghị định 100 đã đem lại kết quả ban đầu tích cực, nhưng còn rất “chông chênh”, chỉ cần lực lượng cảnh sát giao thông lơ là, buông lỏng kiểm tra, xử lý, hay làm theo kiểu phong trào “đầu voi đuôi chuột”, thì “đâu lại vào đó”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp đến.
Chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, cả nước xảy ra 67 vụ TNGT, làm chết 40 người, bị thương 37 người, cũng chỉ trong 3 ngàytếtdương lịch, cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý gần 2.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu, mật độ các cuộc tổng kết, liên hoan, họp mặt, tất niên ngày càng dày thêm, cảnh báo TNGT do rượu, bia sẽ tăng. Đây cũng là lúc cao điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn của cảnh sát giao thông toàn quốc. Dư luận mong muốn cùng với quyết liệt phòng chống Covid-19, cuộc chiến “nói không với rượu, bia khi lái xe” cũng phải quyết liệt hơn nữa trong dịp tết này, không vì lý do gì mà “chùng” xuống. Bởi vì xét về mức độ thương vong, thì TNGT còn nguy hiểm hơn Covid-19 rất nhiều lần.
Khôi Nguyên