Gắn tín dụng chính sách với các chương trình phát triển của tỉnh
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đề nghị như vậy khi phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 21/9.
Đến dự hội nghị có các đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụTỉnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cùng đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ gần 113 tỉđồng, trong 20 năm, NHCSXH Phú Yên đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách, với doanh số cho vay hơn 11.888 tỉ đồng, hơn 787.000 lượt hộ được vay vốn. Qua đó góp phần giúp hơn 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 57.000 lao động; giúp hơn 53.000 lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hơn 248.000 lượt học sinh, sinh viên khó khăn được vay vốn học tập; trên 231.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 3.443 căn nhà cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được xây dựng...
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, làm cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hoàn thiện, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Ban lãnh đạo NHCSXH Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của Phú Yên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả. Thời gian tới, bà Hạnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện bố trí vốn ủy thác cho NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay của người dân trên địa bàn tỉnh. Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục bám sát chỉ đạo của HĐQT NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến lâm, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn...
Biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và NHCSXH Phú Yên trong việc triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78 suốt 20 năm qua, đồng chí Trần Hữu Thế khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là công cụ, giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tín dụng chính sách xã hội tốt hơn nữa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH Phú Yên tập trung phối hợp thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tập trung các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nâng cao công tác quản lý và sử dụng vốn để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững...
Dịp này, các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh được tuyên dương, khen thưởng.
Đến ngày 31/8/2022, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.726 tỉ đồng, tăng hơn 3.613 tỉ đồng (gấp hơn 33 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 20%. Hiện toàn tỉnh còn gần 88.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm gần 34% tổng số hộ toàn tỉnh. Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hoàn thành 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 15,32% giai đoạn 2001-2005, đến cuối năm 2021 giảm còn 2,17%.