Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý đất đai
Chiều 28-5, Đoàn công tác số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn và Đoàn công tác số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại' và Luật Đất đai năm 2013.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội và điểm cầu tại trụ sở các huyện Mê Linh, Gia Lâm.
Theo báo cáo của huyện Mê Linh, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 25-4-2013 của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ. Qua đó, công tác quản lý đất đai có nhiều chuyển biến tích cực gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là việc phát hiện và xử lý vi phạm ngay khi có vụ việc phát sinh.
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất được quan tâm thực hiện, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân.
UBND huyện đã tổ chức đấu giá được 2.176 thửa đất với tổng diện tích 225.251m2 và tổ chức giao đất cho 2.176 cá nhân trúng đấu giá, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2.315 tỷ đồng. Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện có 60 dự án chậm triển khai; trong đó có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha...
Quang cảnh hội nghị.
Tại huyện Gia Lâm, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 21-CTr/TU cũng đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Công tác quy hoạch đất đai được thực hiện bài bản, khoa học và có tính kế hoạch cao, việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm phù hợp với điều kiện phát triển của huyện theo từng giai đoạn và có tầm nhìn dài hạn, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện đã góp phần tăng thu cho ngân sách để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai được tiến hành thường xuyên, liên tục…
Tuy nhiên, huyện Mê Linh và Gia Lâm cũng chỉ rõ một số tồn tại. Đó là tài liệu quản lý đất đai còn thiếu, chủ yếu dựa vào bản đồ đo đạc năm 1986 và được chỉnh lý năm 1997, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính dự án tổng thể chậm. Quy định luân chuyển cán bộ địa chính công tác từ 3-5 năm là chưa phù hợp, do đặc thù của công tác quản lý đất đai là phải nắm bắt được địa bàn, khi cán bộ địa chính nắm được địa bàn thì đã phải thực hiện việc luân chuyển...
Sau khi nghe báo cáo của Huyện ủy Gia Lâm, Huyện ủy Mê Linh và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã tổng hợp những ý kiến đại biểu nêu, đồng thời, chỉ rõ một số bất cập còn tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan đến Luật Đất đai…
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo công phu, chi tiết của hai huyện Gia Lâm, Mê Linh và các ý kiến phát biểu tại buổi khảo sát.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, huyện Gia Lâm là một trong 5 huyện đang được thành phố tập trung đầu tư phát triển thành quận với nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai. Trong khi đó, huyện Mê Linh lại là đơn vị hành chính cấp huyện chịu nhiều tác động của quá trình mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý đất đai.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 21-CTr/TU, các huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định, chính sách pháp luật về đất đai. Cùng với việc thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển thị trường bất động sản... huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh đã thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính về đất đai, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch. Đặc biệt, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai đã được hai huyện chú trọng tập trung chỉ đạo giải quyết.
Ghi nhận các nhóm đề xuất, kiến nghị của hai huyện Gia Lâm và Mê Linh liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, quản lý đất đai là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Qua cuộc khảo sát, hai đoàn công tác của Thành ủy đã tiếp nhận nhiều thông tin, nội dung quan trọng từ thực tiễn công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổng hợp, tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới.