Gắn trách nhiệm của từng chủ thể với nhiệm vụ cụ thể

Qua xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' tại Phiên họp chiều nay, 25.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết giám sát cần thể hiện rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật.

Đánh giá kỹ hơn chuyển biến trong thực tế

Theo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông, Vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng; vi phạm tốc độ; vi phạm quy định về tránh, vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển, phương tiện và học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, mặc dù lĩnh vực giám sát rộng và thời gian thực hiện giám sát ngắn nhưng Đoàn giám sát đã làm việc tích cực, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để có báo cáo tổng hợp rất toàn diện về các lĩnh vực giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong quá trình giám sát, Chính phủ, các bộ và địa phương đã có nhiều chuyển biến trong khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách mới, văn bản mới. Đây chính là những chuyển biến, những kết quả của chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần thể hiện rõ hơn những kết quả, chuyển biến trong thực tiễn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao kết quả xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong thời gian vừa qua, kể cả cán bộ khi vi phạm cũng bị xử lý nghiêm. “Đây là vấn đề người dân rất quan tâm và đặc biệt qua phản ánh của cử tri thấy người dân ủng hộ và chấp hành rất nghiêm túc". Nhấn mạnh điều này, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, Đoàn giám sát bóc tách để có đánh giá kỹ hơn về nội dung này trong phần kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được quan tâm, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, trình Quốc hội thông qua 2 Luật (Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông Đường bộ) với quá trình chuẩn bị công phu, chu đáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; cũng như định hướng phát triển đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thời gian tới.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Bộ Giao thông, Vận tải đã hoàn thành hệ thống 5 quy hoạch ngành quốc gia và là một trong những ngành có quy hoạch quốc gia sớm nhất, tạo cơ sở pháp lý và tiền đề để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, là căn cứ để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm bố trí các nguồn lực, có các cơ chế, chính sách rất đặc biệt, đặc thù để triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Đoàn giám sát quan tâm, đánh giá thêm về kết quả công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giai đoạn 2009 - 2023.

Thẳng thắn nhận diện những tồn tại, hạn chế để có giải pháp rõ hơn

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông; tăng cường xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải, kích thước thành thùng…, nhờ đó có những kết quả nhất định trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần đánh giá sâu hơn, kỹ hơn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thực tế cho thấy, khi có sự hiện diện của lực lượng tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông ở các chốt trạm thì người tham gia giao thông chấp hành nghiêm, nhưng khi không có lực lượng cảnh sát giao thông thì vẫn xảy ra trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm hoặc thậm chí là đi lùi xe hoặc dừng, đỗ xe trên các tuyến đường cao tốc.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

"Phải chăng là do các chế tài của chúng ta còn nhẹ? Hay do các lực lượng chức năng của chúng ta tổ chức thực hiện các chế tài không nghiêm? Còn tình trạng có tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi nhiệm vụ như được nêu trong báo cáo?". Đặt vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần phải làm rõ nguyên nhân để từ đó có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, "sản phẩm cuối cùng của chuyên đề giám sát là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần thể hiện được hết quá trình giám sát và đặc biệt là chuyển biến của giám sát, không chỉ là những chuyển biến trong thời gian vừa rồi mà cả chuyển biến sắp tới sau giám sát. Các nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát cũng phải rõ ai làm gì, thời hạn thực hiện như thế nào.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nêu rõ hơn trách nhiệm chính, những nhiệm vụ chính Chính phủ cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Có những nhiệm vụ cần phải gắn với thời hạn cụ thể. Các nghị quyết khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về giám sát chuyên đề thường nêu rất rõ về thời hạn và gắn với chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện, làm cơ sở cho việc giám sát. Coi việc này đã trở thành thông lệ và gần như nguyên tắc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Đoàn giám sát nghiên cứu, tham khảo thêm để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và báo cáo kết quả giám sát.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gan-trach-nhiem-cua-tung-chu-the-voi-nhiem-vu-cu-the-post391421.html