Gắn với ứng dụng khoa học, tái cơ cấu ngành nghề...

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân là yếu tố quan trọng, cốt lõi, luôn được đề cao, tập trung chỉ đạo thực hiện trong hơn 10 năm qua trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).

Mô hình nuôi hươu, nai tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Mô hình nuôi hươu, nai tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân, ngoài việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp thì việc đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện là yếu tốt then chốt để triển khai thực hiện mục tiêu trên.

Xây dựng nông thôn mới là nhằm hướng đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên 01 ha đất nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa công nghệ mới vào tất cả các khâu, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển, cho đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời góp phần tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Qua 10 năm thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và tái cơ cấu ngành nông nghiệp,nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đã có nhiều khởi sắc, đạt được một số thành tựu nổi bật.

Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong 10 năm qua, Phòng NN &PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn Vĩnh An phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể tích cực vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện. Thực hiện chuyển đổi trên những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo đó, đã có hơn 700ha diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn như xoài Hòa Lộc, xoài Úc, bưởi da xanh, bưởi Tân Triều, cam, quýt... Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phân vùng tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đã hình thành được vùng chuyên canh cây chủ lực (xoài, bưởi, cam, quýt) tập trung trên địa bàn các xã Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân, Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý..., đã góp phần thực hiện tốt công tác tái cơ cấu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu phân bổ vùng sản xuất.

Nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển của địa phương. Tổng diện tích cây ăn trái chủ lực của huyện Vĩnh Cửu hiện có trên 4.500ha, trong đó diện tích bưởi trên địa bàn huyện đến nay là 1.169ha, tăng 73,9% (năng suất tăng 6,6% so với năm 2009). Diện tích xoài trên địa bàn huyện đến nay đạt 3.019ha, tăng 68,4% (năng suất tăng 14,3% so với năm 2009). Diện tích cây cam, quýt đến nay là 378ha, tăng 369,5% (năng suất bình quân tăng 21,4% so với năm 2009).

Mô hình sản xuất rau ăn trái đạt chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Mô hình sản xuất rau ăn trái đạt chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Huyện Vĩnh Cửu đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên nhóm cây trồng chủ lực của huyện, với gần 55ha diện tích xoài, bưởi với tổng sản lượng gần 900 tấn. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai 02 dự án KHCN thực hiện theo quy trình VietGAP trên cây xoài trên địa bàn xã Mã Đà, Phú Lý và trên cây rau trên địa bàn ấp 5, xã Vĩnh Tân. Diện tích rau trên địa bàn xã Vĩnh Tân đã được cấp giấy Chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 4,5 ha.

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về cơ giới hóa phục vụ sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất đến gieo trồng, phun thuốc, tưới nước, thu hoạch. Các tiến bộ về kỹ thuật canh tác để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của huyện tăng 6,9% (tăng từ 26,1% năm 2009 lên 27,9% năm 2018). Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, hình thức trang trại nuôi công nghiệp phát triển nhanh, gắn với xây dựng vùng an toàn dịch, đảm bảo vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các trại chăn nuôi luôn chủ động đưa các giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất; hầu hết đàn heo của huyện là các giống ngoại thuần như Yokshire, Landrace, Duroc, Pietrain và các nhóm giống lai 3 máu của các nhóm giống thuần này, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ trong sản xuất đạt trên 95%. Đa số các trại chăn nuôi lớn đều áp dụng biện pháp chăn nuôi theo công nghệ làm mát chuồng trại, sử dụng chế phẩm vi sinh trong việc giảm mùi hôi để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Với việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ tiếp tục góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn huyện Vĩnh Cửu. Xây dựng bộ mặt nông thôn huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thanh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gan-voi-ung-dung-khoa-hoc-tai-co-cau-nganh-nghe-164798.html