Gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định 'Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh', trong đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, tạo động lực thúc đẩy xây dựng hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tạo cơ sở vững chắc củng cố vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Câu chuyện gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở tỉnh miền núi Bắc Kạn đã cho thấy thực tiễn sinh động ấy.
Tháng 3/2024, sau khi bàn thảo, rút kinh nghiệm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đảng bộ tỉnh đã có 5 mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng. Đó là:
Đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ thông qua thực hiện bảo vệ chương trình hành động, có số dư; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội nghị, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; ban hành nghị quyết chuyên đề, đề án về xây dựng Đảng; tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn”; xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ tỉnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với chủ đề “tự soi”, “tự sửa” trong toàn Đảng bộ.
Những cách làm này không mới, nhưng đã được kế thừa, bổ sung, phát triển thêm để bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn. Do vậy chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị càng hiệu quả hơn.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh sớm thực hiện sát hạch để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Từ nhiệm kỳ trước, cách làm này đã chứng minh được hiệu quả, minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Điều đó đã được kế thừa, phát huy trong nhiệm kỳ này.
Ngay từ khâu xây dựng phương án nhân sự, mỗi chức danh có nhu cầu bổ nhiệm cần giới thiệu ít nhất hai người. Những người được giới thiệu không chỉ là nguồn quy hoạch tại chỗ, cho nên diện cán bộ tham gia được mở rộng, kể cả cán bộ ở đơn vị khác, ngành khác, đều có cơ hội tham dự quy trình này khi bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Các ứng viên trình bày chương trình hành động sau đó trả lời ý kiến phản biện của các thành viên hội đồng tư vấn xem xét nhân sự giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thông qua việc trình bày chương trình hành động và trả lời những câu hỏi của thành viên hội đồng, trình độ, kiến thức và năng lực, mặt mạnh, mặt yếu của từng ứng viên sẽ được thể hiện rõ, là cơ sở để các thành viên hội đồng đánh giá.
Theo cách làm này, từ năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử 404 đồng chí; trong đó, điều động, bổ nhiệm 84 đồng chí; bổ nhiệm 42 đồng chí; bổ nhiệm lại 51 đồng chí; chỉ định, giới thiệu ứng cử, tái cử 227 đồng chí.
Sau khi Trung ương ban hành các nghị quyết về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Bắc Kạn cũng chú trọng cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn Ma Từ Đông Điền, các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và văn bản cụ thể để triển khai thực hiện, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thực hiện công tác xây dựng Đảng, từ năm 2021 tới nay, Đảng bộ tỉnh đã kiên trì, nỗ lực triển khai ba nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh cũng triển khai ba giải pháp đột phá, gồm: Hoàn thiện thể chế liên quan đến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, phân cấp, phân quyền kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thực hiện các nội dung trọng tâm, đột phá này, Bắc Kạn đã tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa” với 2.343 tập thể và 6.420 lượt cá nhân, cán bộ, đảng viên được kiểm điểm.
Đến nay, Bắc Kạn đã có 37.340 đảng viên, chiếm hơn 11% dân số của tỉnh, thuộc diện có tỷ lệ cao trong cả nước. Từ năm 2021 tới 2023, Đảng bộ tỉnh có 100% cấp ủy cơ sở được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; hơn 98% cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đội ngũ cán bộ được bảo đảm về số lượng và chất lượng.
Những nội dung thí điểm hoặc sắp xếp chưa phù hợp thực tiễn, Bắc Kạn đã kịp thời điều chỉnh. Tỉnh đã dừng thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh; dừng mô hình Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh khi nhận thấy những thí điểm này không hiệu quả.
Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua, đó là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức, cơ sở đảng còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo; việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ còn yếu; công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, phòng ngừa tham nhũng ở một số tổ chức, cơ sở đảng còn hạn chế…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh, tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo quyết liệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền.
Trong giai đoạn tới, Bắc Kạn tập trung tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết; đổi mới sinh hoạt Đảng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; tiếp tục đổi mới sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy...