Găng nhau trong giới hạn
Giữa Mỹ và Trung Quốc dường như tồn tại một kiểu thỏa thuận quân tử, tức hai bên luôn phải ở trong tình thế có thể kiểm soát được mối quan hệ song phương
Cho dù cực kỳ cần thiết đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyến công du Bắc Kinh lần này của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng chỉ có thể đạt được kết quả tối thiểu chứ không phải tối đa.
Mối quan hệ song phương giữa hai siêu cường hàng đầu hiện ở trong tình trạng tồi tệ chưa từng thấy kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Biểu hiện về căng thẳng và đối đầu gia tăng không hề ít trong thời gian vừa qua.
Ngoại trưởng Blinken là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Quốc. Chuyến thăm Bắc Kinh của ông vốn đã được lên kế hoạch cách đây một thời gian nhưng rồi bị hoãn lại bởi vụ khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị bắn hạ.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng thiết bị bay này để do thám tình báo trong nước này. Chỉ riêng việc Washington không tiết lộ dữ liệu thu được từ các mảnh vỡ khinh khí cầu trục vớt được cũng đủ thấy Mỹ dù làm găng với Trung Quốc nhưng vẫn lưu ý giữ thể diện cho đối phương. Đó đồng thời là cách để ông Blinken có thể thực hiện được chuyến công du Trung Quốc từng bị trì hoãn.
Phía Trung Quốc cũng thể hiện cách tiếp cận tương tự Mỹ: Dẫu găng đến mấy thì vẫn duy trì hợp tác, đối đầu nhưng không rời quá xa trục đường hợp tác.
Hai bên vốn coi nhau trước hết là đối thủ về ý thức hệ và hệ thống chính trị, sau đó là đối thủ cạnh tranh chiến lược và cuối cùng mới là đối tác. Chính vì sự pha trộn của những khía cạnh đối thủ và đối tác này mà hình thành những giới hạn buộc cả hai phía phải lưu ý khi gia tăng mức độ căng thẳng và đối kháng.
Đến Trung Quốc, ông Blinken đương nhiên trao đổi về nhiều chuyện, từ quan hệ song phương đến chính trị thế giới; từ an ninh khu vực Đông Bắc Á, eo biển Đài Loan và biển Đông đến an ninh châu lục và vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn biến và kết quả của các cuộc trao đổi giữa ngoại trưởng Mỹ và giới chức Trung Quốc về các nội dung này đều không có gì mới mẻ hay gây bất ngờ. Hai bên trình bày quan điểm riêng là chính chứ không nhất trí được gì với nhau.
Kết quả duy nhất mà ông Blinken đạt được trong thực chất là Mỹ và Trung Quốc duy trì kênh liên lạc trực tiếp với nhau cho dù hai bên không công khai và nhấn mạnh kết quả này. Chính đấy cũng là một bằng chứng đầy sức thuyết phục về việc Mỹ và Trung Quốc không thể "thoát nhau", vì cho dù quan hệ có xuống dốc như hiện tại thì cũng chỉ trong giới hạn mà hai bên tự xác định và ngầm tự giác tuân thủ với nhau.
Chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken dẫu không thành công nhiều nhưng vẫn có tác động rất tích cực đối với mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nó cho thấy giữa Bắc Kinh và Washington dường như đã có một kiểu "thỏa thuận quân tử" là hai bên luôn phải ở trong tình thế có thể quản trị và kiểm soát được diễn biến của mối quan hệ song phương - vốn luôn bị tác động rất mạnh mẽ bởi tình hình đối nội ở cả hai nước và bởi chính trị cũng như an ninh thế giới.
Điều đó lý giải vì sao giữa Mỹ với Trung Quốc thường xuyên xảy ra những chuyện nhìn bề ngoài thì có vẻ rất nghiêm trọng nhưng rồi lại trôi qua rất nhanh và không hẳn như vậy trong thực chất. Chuyến đi Bắc Kinh của ông Blinken vào thời điểm hiện tại đem lại cảm nhận là Mỹ và Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ giữa hai nước không như cách thế giới bên ngoài nhìn nhận.
Trọng trách trên vai
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chuyến thăm tới Bắc Kinh là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm bảo đảm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không bùng phát thành xung đột công khai.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan trước khi đến Bắc Kinh hôm 16-6, ông Blinken nhìn nhận: "Cạnh tranh gay gắt đòi hỏi ngoại giao bền vững để bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hoặc xung đột".
Theo hãng tin Bloomberg, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông sẽ gặp các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh trong nỗ lực thực hiện cam kết cải thiện kênh thông tin liên lạc, sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) ở Bali - Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.
Ngoại trưởng Blinken cho hay ông muốn thiết lập các kênh liên lạc "cởi mở và trao quyền" để tránh nguy cơ tính toán sai lầm, ngoài ra còn để trao đổi thẳng thắn về các mối quan tâm của Mỹ và khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước về các vấn đề toàn cầu, bao gồm ổn định kinh tế và biến đổi khí hậu. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Blinken tới Trung Quốc với tư cách ngoại trưởng và ông là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đặt chân đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 5 năm qua.
Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 14-6 với ông Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Mỹ cần "thể hiện sự tôn trọng" và ngừng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gang-nhau-trong-gioi-han-20230617203815677.htm