Găng tay dùng trong y tế bắt nguồn từ tình yêu
Ngày nay, chúng ta nhìn thấy các nhân viên y tế buộc phải đeo găng tay trong khi làm việc là điều bình thường. Nhưng xa xưa, việc các bác sĩ khi đeo găng tay trong lúc thực hiện mổ đã vấp phải sự phản ứng gay gắt. Vậy tại sao găng tay lại được đưa vào phòng mổ?
Rắc rối đến từ bàn tay của nữ y tá Caroline
Trước đây, người ta vẫn nhắc đến cái tên bác sĩ phẫu thuật William Halsted là người đã giới thiệu găng tay trong phòng mổ. Nhưng người thực sự đưa găng tay vào phòng mổ là các y tá trợ lý của ông: Caroline Hampton và Joseph Bloodgood.
Năm 1889, Caroline làm y tá phòng mổ chính của bệnh viện mới mở Johns Hopkins, Baltimore (Maryland). Ở đây, BS. Halsted đã được ngợi ca là một trong những bác sĩ mổ tài năng nhất nước từ trước đó. Ông trải qua đào tạo thành bác sĩ giỏi ở châu Âu, rồi trưởng thành ở New York. Ông là người phát triển ra các phương pháp mổ mới cho những căn bệnh sỏi mật, tuyến giáp, mạch máu và thoát vị. BS. Halsted cũng nổi tiếng bởi việc mổ cắt bỏ vú nhằm điều trị ung thư vú...
Trước đó 1 thập kỷ, BS. Halsted đã áp dụng một lý thuyết về mầm bệnh mới và triển khai các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt tại nơi làm việc. Bất kỳ ai bước vào phòng mổ của BS. Halsted đều phải rửa tay bằng xà phòng rồi ngâm tay trong dung dịch xút potassium permanganate, tiếp đó là tắm bằng dung dịch oxalic acid nóng. Sau đó, họ lại rửa tay lần nữa bằng hợp chất thủy ngân-chloride. Việc vệ sinh quá mức như thế giúp tiêu diệt vi trùng nhưng cũng làm hỏng luôn cả tế bào da. Y tá Caroline bị ảnh hưởng nặng nề: Da nổi mẩn đỏ, chàm nghiêm trọng, bong tróc từng mảng. Ham làm nhưng Caroline không thể chịu thêm nữa vì quá đau đớn và cô đã xin nghỉ việc.
Đến lịch sử của găng tay trong phòng mổ
BS. Halsted khuyên Caroline nên bọc tay bằng một chất gọi là Collodion (giống như si-rô đặc) giúp cho các ngón tay có độ cứng, song nó cũng khiến cô lóng ngóng khi làm việc. Và rồi các bác sĩ đưa ra một giải pháp được cho là kỳ dị vào thời đó: Đeo găng tay. Nhưng sử dụng găng tay trong phòng mổ lúc này bị hầu hết các bác sĩ thời kỳ đó phản đối. Những chiếc găng tay đầu tiên đã được tạo ra chỉ được dùng cho đỡ đẻ hoặc khám nghiệm tử thi. Chúng có vẻ ngoài xấu xí, dày cộp và vụng về được làm từ ruột cừu.
BS. Halsted đã trả tiền để mua đôi găng tay dùng cho Caroline, rồi ông ủy thác việc chế tạo ra các đôi găng tay cho Công ty cao su Goodyear (New York). Găng tay cao su được làm cho y tá Caroline mỏng mảnh và che kín cả bàn tay và cẳng tay. Không ngờ với đôi găng tay này đã giúp Caroline làm việc tuyệt vời, đến nỗi các y tá khác cũng tranh nhau mua về sử dụng.
Joseph Bloodgood cũng là một người tiên phong sử dụng găng tay. Khác với Caroline đeo găng tay trong phòng mổ nhằm bảo vệ đôi tay của chính mình thì Joseph Bloodgood đeo găng tay trong các ca mổ thoát vị và nhận ra rằng đã có một sự giảm mạnh các biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu trên cơ thể các bệnh nhân. Y tá Joseph nhận thấy rằng có 220 ca mổ thoát vị được tiến hành mà không đeo găng tay thì 38 bệnh nhân sinh ra các biến chứng nhiễm trùng (17%). Nhưng với 226 ca mổ thoát vị có đeo găng tay thì chỉ có 4 bệnh nhân bị nhiễm trùng (không đầy 2%). Y tá Joseph đã công bố những phát hiện của mình vào năm 1899.
Năm 1911, một nửa số bác sĩ Mỹ đeo găng tay. Còn BS. Halsted bắt buộc việc đeo găng tay cho bất kỳ ai khi đặt chân vào Johns Hopkins. Đến nay, thông qua các tài liệu, người ta mới biết lý do vì sao BS. Halsted lại tìm đến đôi găng tay bảo vệ cho đôi tay của y tá Caroline vì ông thầm yêu Caroline và dùng găng tay như một cách để tán tỉnh cô. Sau đó, Joseph Bloodgood mới phát hiện ra tác dụng chống nhiễm khuẩn của găng tay và cuối cùng nó đã được đưa vào sử dụng trong y tế như một bảo hộ bắt buộc.
Như vậy, nhờ tình yêu của BS. Halsted mà y tá Caroline đã giới thiệu găng tay vào y tế, cứu mạng sống cho nhiều người.
Nguyễn Thanh Hải
((Theo sciencehistory))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gang-tay-dung-trong-y-te-bat-nguon-tu-tinh-yeu-n175157.html