Gánh khoản nợ hơn 9.400 tỉ đồng, Đạm Hà Bắc chính thức mất vốn
Đạm Hà Bắc hiện đang phải đối diện với một bức tranh tài chính 'bết bát', dường như không thể cứu vãn khi khoản lỗ ngày càng tăng lên tới gần 2.900 tỉ đồng, nợ phải trả hơn 9.400 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 108,63 tỉ đồng, kinh doanh mất vốn...
Báo cáo hợp nhất bán niên được soát xét của Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) cho thấy trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận đạt 1.594 tỉ đồng, tăng 2,21% doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ so với cùng kỳ.
Dù doanh thu tăng là vậy, song Đạm Hà Bắc vẫn chứng kiến khoản lỗ tăng lên tới 31,52% lên 220,45 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, Đạm Hà Bắc có tổng nợ phải trả lên tới 9.470,82 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 108,63 tỉ đồng. Lỗ lũy kế của công ty là 2.876,16 tỉ đồng, tăng so với đầu năm.
Giải trình cho nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ gia tăng, Đạm Hà Bắc cho biết, xuất phát từ việc giá bán các sản phẩm giảm so với năm 2018 và theo đó lợi nhuận gộp giảm. Chi phí đầu vào của công ty cũng tăng cao do giá than cám tăng, giá điện tăng.
Lãnh đạo Đạm Hà Bắc thừa nhận, công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tài chính rất lớn, đặc biệt từ tháng 1.2019 do không được kéo dài thời gian trả nợ, công ty không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nên đang phải chịu lãi phạt trên nợ gốc quá hạn với lãi suất 18%/năm.
Ngoài ra, năm 2019, Đạm Hà Bắc vẫn phải thực hiện trích khấu hao ở mức 50% mức phải trích hàng năm theo thông báo ngày 24.5.2017 của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem). Đây cũng là vấn đề mà kiểm toán viên nhấn mạnh khi nêu ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Đạm Hà Bắc.
Như vậy, kinh doanh thua lỗ vượt cả vốn chủ sở hữu, nói cách khác, Đạm Hà Bắc đã chính thức mất vốn. Kiểm toán nhận định: "Những sự kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty".
Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, Hội đồng quản trị Đạm Hà Bắc mới đây đã công bố nghị quyết thống nhất bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Ninh giữ chức Tổng giám đốc của công ty này trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 5.10.2019.
Quyết định này cũng nêu rõ, ông Nguyễn Đức Ninh sẽ được hưởng mức lương 17,55 triệu đồng/tháng. Ông Ninh vốn là thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc, Phụ trách Ban Tổng giám đốc của Đạm Hà Bắc.
Trước đó, vào hồi đầu năm này, ông Đỗ Doãn Hùng đã bị miễn nhiệm trước thời hạn khỏi chức vụ Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc do những sai phạm trong quá trình triển khai dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHB đang ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu. Do bị âm vốn chủ sở hữu nên cổ phiếu DHB bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần (ngày bị hạn chế giao dịch kể từ 14.8). Trên thị trường, cổ phiếu DHB hiện giao dịch dưới mệnh giá và gần như chết thanh khoản. Cổ phiếu DHB lên sàn UPCoM từ năm 2017 với giá khá "bèo" nhưng từ đó đến nay thường xuyên trong trạng thái "ế ẩm".
Trong một báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, hướng xử lý trong thời gian tới với Dự án Đạm Hà Bắc cũng tương tự như cách xử lý ở Dự án đạm Ninh Bình: Cần tập trung xử lý, làm rõ trách nhiệm, thiệt hại do các bên gây ra. Trên cơ sở đó, đánh giá lại Dự án và tiến hành phương án thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Đạm Hà Bắc là doanh nghiệp nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương. DHB tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, do Bộ Công Thương quản lý.
Đây là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của Việt Nam, được ví như “cánh chim đầu đàn” của ngành phân bón. Từ 2016, Đạm Hà Bắc chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.722 tỉ đồng, trong đó Vinachem nắm giữ 97,66% vốn cổ phần. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Đạm Hà Bắc liên tục thua lỗ.
Đến thời điểm 31.12.2016, tổng lỗ lũy kế của dự án đã là 1.716 tỉ đồng (cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỉ đồng). Sang năm 2017, doanh thu đạt 2.496 tỉ đồng; lỗ 611 tỉ đồng và giảm lỗ so với năm 2016 là 440 tỉ đồng.
Trong năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy đạt 438.324 tấn ure quy đổi; doanh thu đạt 3.087 tỉ đồng; lỗ 340 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ là 266,2 tỉ đồng.
Trong quí 1/2019, tổng sản lượng của nhà máy đạt 126.098 tấn ure và 91.072 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 73.161 tấn urê và 18.362 tấn NH3; doanh thu đạt 723,23 tỉ đồng; lỗ 56,3 tỉ đồng, giảm lỗ 30,25 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018.