Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra
Hút thuốc lá gây hậu quả bị tàn tật và tử vong, so với các nguy cơ khác, nguy cơ chết sớm do sử dụng thuốc lá là rất cao. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ trên hơn một triệu người trưởng thành, những người hút thuốc có nguy cơ tử vong do ung thư phổi ở tuổi trung niên cao hơn 20 lần so với những người không hút thuốc và nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim mạch bao gồm cả suy tim, đột quỵ cao gấp 3 lần.
Trong khói thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại nên việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư miệng, ung thư da, bệnh tim mạch và các bệnh về đường hô hấp như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Nhìn chung, trên toàn thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp thiếu máu cơ tim.
Trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trong thế kỷ 20. Mỗi năm, thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người/năm vào năm 2030. Tử vong do sử dụng thuốc lá thường gặp ở nam giới tại các nước thu nhập cao, hiện nay, có xu hướng lan sang phụ nữ ở các nước có thu nhập cao và nam giới ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Điều này là do việc sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm ở các nước có thu nhập cao và tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Một điều đáng lo ngại là các căn bệnh liên quan đến thuốc lá có thể xuất hiện rất lâu sau khoảng thời gian dài hút thuốc lá, làm cho người hút thuốc chủ quan hơn về tình hình sức khỏe của bản thân, đến khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn màng.
Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu đến dương vật gây liệt dương. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc khi mang thai gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dị dạng thai nhi, dễ sẩy thai, đẻ non, nhẹ cân thậm chí có thể gây tử vong so với phụ nữ mang thai không hít phải khói thuốc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới thì sẽ có 1 người hút thuốc lá; 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà; 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Tỷ lệ các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá cũng đang gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này là 62,7%.
Nếu chúng ta không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.