Gánh nặng cấy ghép phổi gia tăng tại Mỹ do COVID-19
Trận chiến của John Micklus với COVID-19 bắt đầu vào Giáng sinh năm ngoái và kết thúc năm tuần sau đó với phổi bị tổn thương đến mức các bác sĩ nói rằng họ không thể làm gì để cứu ông.
Người đàn ông 62 tuổi gọi điện cho vợ từ giường bệnh ở bang miền nam Maryland, Mỹ. Và đến lượt bà tuyệt vọng gọi cho một số bác sĩ, để rồi biết được một lựa chọn cuối cùng: Cấy ghép cả hai lá phổi.
Micklus được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, nơi một cuộc đánh giá nghiêm ngặt xác nhận ông đủ điều kiện để nhận phổi từ một người hiến tạng phù hợp vài ngày sau đó. Ông được xuất viện vào ngày 30/3, đánh dấu ca ghép phổi thành công thứ hai của trung tâm cho một người sống sót sau mắc COVID-19.
Tuần trước, Cleveland Clinic, một trong những trung tâm y tế hàng đầu Mỹ, cho biết các bệnh viện trên khắp đất nước đã báo cáo tình trạng gia tăng các ca cấy ghép phổi cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng. Loại phẫu thuật này có thể là giải pháp duy nhất cho những bệnh nhân đã trải qua một loạt tổn thương phổi đe dọa tính mạng do virus gây ra, do phản ứng miễn dịch siêu viêm với virus, và cơ thể phục hồi không đúng cách với tổn thương.
"Phổi tổ ong"
David Kleiner, bác sĩ phụ trách giải phẫu bệnh tại Trung tâm Lâm sàng Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, Maryland (Mỹ), cho biết những tổn thương sau mắc COVID-19 có thể gây ra sự lắng đọng của mô sẹo sợi màu vàng, tạo ra “biến đổi tổ ong” khiến phổi trở nên rắn lại hoàn toàn.
Ông Kleiner cho biết, quá trình này sẽ phá hủy các túi khí nhỏ, mà qua đó khí được trao đổi trong phổi. “Bệnh nhân chỉ thực sự sống sót đến giai đoạn xơ hóa đó nếu họ được đặt nội khí quản”, ông Kleiner nói và cho biết thêm vết sẹo có thể xảy ra trong vòng vài tuần sau chấn thương phổi.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine vào tháng trước, những trường hợp như vậy đã dẫn đến những ca cấy ghép phổi trên khắp thế giới, khắc sâu một khía cạnh khác của gánh nặng đại dịch đối với cả những người sống sót và các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago, nơi cấy ghép hai lá phổi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ vào tháng 6/2020, với những bệnh nhân không thể rời khỏi máy thở hoặc phổi nhân tạo cung cấp oxy cho máu, phổi hiến tặng có thể là lựa chọn cứu sống duy nhất. Phẫu thuật kiểu này đã được thực hiện thêm 18 ca nữa tại bệnh viện kể từ đó và có ít nhất 5 bệnh nhân đang chờ phổi hiến tặng.
Phẫu thuật phức tạp
Bác sĩ Ankit Bharat, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực và giám đốc phẫu thuật ghép phổi của bệnh viện Northwestern Memorial cho biết: ba bệnh nhân - ở độ tuổi 28, 43 và 62 – trải qua mỗi ca phẫu thuật kéo dài khoảng 9,5 giờ, cần gấp đôi lượng máu bình thường được truyền trong quá trình phẫu thuật và nhiều tuần chăm sóc tích cực sau phẫu thuật.
Theo Mạng lưới chia sẻ nội tạng United Network for Organ Sharing, hơn 107.000 người đang chờ đợi một ca cấy ghép nội tạng để cứu mạng sống ở Mỹ. Danh sách chờ đợi để được ghép toàn bộ phổi thường rất dài.
Bác sĩ Bharat bày tỏ lo ngại COVID-19 có thể thu hẹp nguồn nội tạng hiến hiện tại và ảnh hưởng đến khả năng cung cấp trong tương lai. 34 triệu người ở Mỹ đã được chẩn đoán mắc COVID-19, và ông Bharat cho biết có tới 80% trong số họ, bao gồm nhiều người không có triệu chứng, có thể bị tổn thương phổi.
Đối với bệnh nhân COVID-19 cần ghép phổi, thời điểm là rất quan trọng. Ông Robert Reed, Phó giám đốc y tế của chương trình ghép phổi tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, cho biết nếu phẫu thuật được thực hiện quá sớm, có nguy cơ bệnh nhân chưa hết nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng bác sĩ cũng “không thể làm điều đó quá muộn, bởi vì vào thời điểm đó, bệnh nhân có thể yếu đến mức không thể sống sót sau cuộc phẫu thuật cũng như tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình phục hồi chức năng”.
Hồi tháng 4, các bác sĩ ở Nhật Bản thực hiện ca cấy ghép phổi từ một người hiến còn sống đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân COVID. Người này đã nhận các phân đoạn phổi từ con trai và chồng của cô. Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Kyoto đã mất khoảng 11 giờ với sự tham gia của 30 nhân viên y tế.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi hiện có lựa chọn cấy ghép phổi từ những người hiến tặng còn sống”, Hiroshi Date, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện Đại học Kyodo, người chỉ đạo cuộc phẫu thuật trên, cho biết.
Ông cho rằng phẫu thuật cấy ghép không nên được coi là một cách để tăng tốc độ hồi phục sau COVID-19. Những người nhận phổi cần phải dùng hơn một chục loại thuốc trong suốt quãng đời còn lại của họ để ngăn ngừa sự đào thải và nhiễm trùng của các cơ quan, và nhiều loại thuốc đi kèm với các tác dụng phụ độc hại.