Gánh nặng của thế hệ bánh mì kẹp
'Sandwich Generation' (thế hệ bánh mì kẹp) là thuật ngữ dùng để chỉ những người trưởng thành vừa có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già, vừa phải lo nuôi nấng con nhỏ.
John Latona, tổng giám đốc công ty bảo hiểm Haven Life, hiểu tất cả nỗi lo của "thế hệ bánh mì kẹp". Bố anh đã bước sang tuổi 91, mẹ cũng ngoài 80 nhưng họ đều sống riêng.
Latona có vợ và hai con (đều dưới 5 tuổi). Cứ vài tháng, cả nhà anh lại sắp xếp chuyến đi kéo dài 10 tiếng để về nhà thăm bố mẹ, bảo đảm họ vẫn ổn. "Nhưng ngay cả cách này cũng không thể kéo dài lâu, sẽ đến lúc bố mẹ tôi cần người chăm sóc thường xuyên hơn".
Câu chuyện về gia đình Latona là thực tế với nhiều người Mỹ. Theo Pew Research Center, tính đến năm 2013, gần một nửa số người trưởng thành ở độ tuổi 40-50 có bố mẹ 65 tuổi trở lên, đồng thời có con cái cần chăm sóc. 15% số người trung niên cho biết họ đang phải hỗ trợ tài chính cho cả cha mẹ và con cái.
"Sandwich Generation" (thế hệ bánh mì kẹp) là thuật ngữ do nhà xã hội học Dorothy Miller đặt ra, dùng để chỉ nhóm người thuộc độ tuổi trung niên (40-50 tuổi) vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái của mình. Thuật ngữ này không chỉ một thế hệ cụ thể trong dòng chảy lịch sử, mà nói về bất cứ ai bị "kẹp" giữa gánh nặng hai bên với gia đình.
Báo cáo Sandwich Generation do Haven Life thực hiện đã phỏng vấn 1.078 người trong độ tuổi 30-55, những người tự nhận mình là thuộc "thế hệ bánh mì kẹp".
80% người tham gia cho biết họ cảm thấy căng thẳng thường xuyên, áp lực với trách nhiệm và phải làm việc quá sức để chăm lo cho những thành viên trong gia đình. Dù chăm sóc bố mẹ hàng ngày hay gọi điện hỏi han từ xa, những người này cũng đang gặp áp lực vì phải cân bằng cuộc sống gia đình riêng.
Gánh nặng hai bên
Cathy O'Brien (sống tại Anh) cũng là một phụ nữ thuộc thế hệ bánh mì kẹp. Cô thấy may mắn khi hiện tại con trai đã đủ lớn, bớt đi một chút gánh nặng.
Mẹ chồng cô sống ở một viện dưỡng lão. Chồng Cathy còn có 3 chị em gái nên trách nhiệm chăm sóc mẹ được san sẻ bớt.
Bố mẹ đẻ của Cathy sống cách nhà cô 90 phút lái xe, sức khỏe của họ còn khá tốt và chưa vào viện dưỡng lão. Thế nhưng cô vẫn luôn cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19, vợ chồng cô khó qua lại thăm nom. Một lần, mẹ cô bị đau mắt nhưng vì giãn cách nên cô chỉ có thể gọi điện hỏi thăm.
Song Cathy cảm thấy áp lực của mình chưa là gì so với những người bạn đồng trang lứa.
"Tôi có những người bạn có bố mẹ lớn tuổi bị bệnh nhiều năm, họ phải bỏ tất cả công việc để vào viện chăm. Có người than phiền khi phải nhịn bữa trưa để kịp đến trường họp phụ huynh, trong khi bố mẹ liên tục bị gọi điện hỏi bao giờ về thăm nhà", cô kể.
Earnheardt đã gần 51 tuổi, cưới vợ và có 4 đứa con nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ.
"Gần đây, mẹ tôi tìm thấy nhiệm vụ mới là phải giải quyết mối bất hòa của tôi với cậu em trai Jeremy. Mỗi lần nói chuyện với tôi, mẹ đều thêm vài thông tin về cậu ấy, khiển trách tôi vì làm lơ không chịu trả lời tin nhắn hay cuộc gọi của em trai. Cô em gái Jennifer của tôi nói rằng nó sẽ không thể nào chịu nổi áp lực đó từ mẹ".
Mẹ của Earnheardt thậm chí gọi điện cho 3 đứa con của anh để các cháu giúp bà khuyên bố làm hòa với chú. Dù biết bố sẽ hơi khó chịu khi bị "thao túng", các con anh vẫn đành làm theo ý bà nội.
"Mỗi lần thấy cuộc gọi của mẹ tôi, con gái lớn Ella lại chạy khắp phòng la lớn: 'Bà nội gọi, bà nội gọi', kèm theo là nụ cười nhếch mép vì nó thấy bố đã trưởng thành nhưng vẫn bị kiểm soát như đứa trẻ".
Kim Egel, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở San Diego, hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần của những người thuộc thế hệ bánh mì kẹp. Mang trách nhiệm chăm sóc người khác nhưng họ lại rất cần sự chăm sóc tinh thần.
Liệu pháp tâm lý phù hợp sẽ mang đến cho họ cơ hội để xử lý những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp, chẳng hạn như suy ngẫm về sự lo lắng, tức giận và lo lắng. "Tôi nghĩ đôi khi họ chỉ cần một khoảng không gian để được lắng nghe", Egel nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ganh-nang-cua-the-he-banh-mi-kep-post1273180.html