Gánh nặng giá cả 'đè' vai doanh nghiệp
Thời gian tới có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, như: Giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp, chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá.
Thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu tăng giá rõ rệt nhất. Chị Nguyễn Thu Hà (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị không khỏi bất ngờ khi giá thịt lợn đã vọt tăng chỉ trong vòng hôm trước đến hôm sau. Theo đó, hiện tại, giá sườn thăn đã lên mức 150.000 đồng/ kg, sườn vai 145.000 đồng/kg, thịt vai 145.000 đồng/kg, thịt thăn 130.000 đồng/kg…
Chị Hoàng Anh, tiểu thương chợ Gia Lâm cũng cho hay, giá thịt tăng mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây. “Chúng tôi đi nhập hàng giá đã cao, nên bán không thể thấp được” – chị Hoàng Anh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhàn (Ngõ 68, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, bà ngỡ ngàng khi gạo tám Hải Hậu được cửa hàng bán gạo quen báo giá đã lên 190.000 đồng/kg. “Mới tháng trước còn 180.000 đồng/ túi 10 kg mà nay đã khác rồi” – bà Nhàn nói.
Không chỉ thịt, gạo nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh cũng đã nhích tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Lolifood, cho biết, thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các loại ngũ cốc dinh dưỡng của công ty liên tục tăng cao, từ 5 - 10% so với trước đây.
"Việc tăng các loại nguyên liệu đầu vào khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt. Chính vì vậy, sau khi cân nhắc và tính toán, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá bán cho khách hàng của mình" - ông Long chia sẻ và cho biết, giữa lúc khó khăn, công ty chấp nhận đồng hành cũng khách hàng.
Cũng theo ông Long, để đối mặt với tình trạng nhiều nguyên liệu tăng giá, công ty ông hiện đang thực hiện biện pháp tăng số lượng sản xuất để tiền công và chi phí hao mòn giảm xuống.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, nếu thời gian tới đây, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng, thì công ty của ông sẽ buộc phải tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để giá thành sản phẩm được ổn định.
Chủ một DN ngành cà phê cũng cho biết, giá cà phê nguyên liệu mà công ty của ông nhập về hiện nay đã tăng 100% so với năm ngoái. Tuy nhiên, để chia sẻ gánh nặng này với khách hàng, công ty chấp nhận giảm 50% lợi nhuận và chỉ tăng giá 50% giá bán cho khách hàng.
Giới chuyên gia nhận định, trong thời gian tới có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, như: Giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện. Áp lực đến từ giá điện, tại báo cáo Ban Chỉ đạo quý I, Bộ Công thương kiến nghị trong năm 2024 cần xem xét việc điều chỉnh giá mặt hàng này, nhưng hiện chưa đề xuất phương án cụ thể. Giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới.
Bộ Tài chính còn đưa ra dự báo thời gian tới, giá một số mặt hàng nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như: Giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì được mức cao trên thị trường thế giới; giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của DN...
Bộ Tài chính đã cập nhật 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8%-4,5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4-4,5% và có thể lên 4,6% nếu có nhiều yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 - 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.
Trong cuộc họp về điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là. Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo điều hành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các thông báo kết luận họp Ban Chỉ đạo định kỳ. Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ganh-nang-gia-ca-de-vai-doanh-nghiep-10283562.html