Gánh nặng hàng ngàn tỷ nợ xấu cản đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng VPBank
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) hiện đang có tới 8.000 tỷ đồng nợ xấu tính đến 31/3, trong đó có gần 1.600 tỷ đồng nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn.
Có gần 1.600 tỷ đồng nợ xấu mất vốn tại thời điểm cuối quý 1
Theo số liệu từ Báo cáo tài chính của các ngân hàng, đến cuối năm 2019, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.
Trong đó, nợ nhóm 1 tăng khoảng 16,6% từ 203 nghìn tỷ đồng lên 236 nghìn tỷ đồng. Nợ nhóm 2 tăng 4,8% từ 11 nghìn tỷ đồng lên 12 nghìn tỷ đồng.
Nợ nhóm 3 tăng 26% từ 4.217 tỷ đồng lên 5.311 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 giảm 14,5% từ 1.691 tỷ xuống 1.447 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tăng 9,7% từ 1.857 tỷ đồng lên 2.038 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng 15,8% so với đầu năm, thấp hơn trung bình của một số ngân hàng thương mại lớn. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 3,49% xuống mức 3,42%, tuy vậy vẫn vượt mức 3%, đây là nhóm nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Tại ngày 31/3, báo cáo tài chính của Ngân hàng này cho thấy VPBank hiện đang có tới 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có gần 1.600 tỷ đồng nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn.
Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tại VPBank đang có chiều hướng tích cực khi giảm dần qua các quý. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu ghi nhận giảm từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng, tương ứng giảm 9,3%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% tại đầu năm xuống còn 3,03%.
Trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu trước xóa nợ ước tính tăng khoảng 2,7%. Từ những chia sẻ của ban lãnh đạo, SSI giả định khoảng 20-30% (2,3-3,5 nghìn tỷ đồng) nợ tái cơ cấu có thể không thu hồi được và ước tính tỷ lệ nợ xấu trong những quý sau sẽ tăng khoảng 1% - 1,6%.
Tỷ lệ nợ xấu trước xóa nợ trong 5 năm trước trung bình tăng khoảng 1,6%- 2,7% tổng dư nợ. Do đó, SSI ước tính khoảng 6,2 – 6,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu mới sẽ phát sinh trong năm nay.
SSI ước tính ngân hàng sẽ tích cực xóa nợ để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3% vào cuối năm (nợ xấu 2019 tới 3,42%), khiến chi phí dự phòng tăng trong nửa cuối năm 2020.
Nếu VPB chấp nhận để tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 45% (hay tỷ lệ dự phòng sau thu hồi nợ ở mức 69%), chi phí dự phòng ước tính tăng 9,8% so cùng kỳ hoặc 37% nếu không tính đến dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2019.
Dựa nhiều vào FE Credit, VPBank sẽ “lao đao” trong dịch bệnh COVID-19
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định VPBank sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh COVID-19 do mảng tài chính tiêu dùng khá lớn. Khi các hoạt động kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực bị gián đoạn do COVID-19, nhiều người bị giảm lương hoặc thất nghiệp.
“Trong khi đó, khách hàng chính của công ty tài chính tiêu dùng là những người thu nhập thấp, đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do bệnh dịch. Do lĩnh vực này có rủi ro cao, chúng tôi dự báo VPBank sẽ giảm hoạt động tài chính tiêu dùng trong thời gian này, do đó tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên sẽ giảm” – VNDirect đánh giá.
VNDirect cũng cho rằng do tài chính tiêu dùng là hoạt động có rủi ro cao nên dự báo nợ xấu của VPBank cũng sẽ tăng nhanh. Đặc biệt do đây đang là nhóm chiếm doanh số lớn nhất trong tổng dư nợ của VPBank. Ở thời điểm cuối năm 2019, dư nợ tài chính tiêu dùng chiếm tới 34% tổng dư nợ của VPBank.
Gánh nặng nợ xấu sẽ làm chậm tăng trưởng lợi nhuận. Nếu dịch kéo dài tới nửa cuối năm, VPBank sẽ bị ảnh hưởng nặng do nợ xấu tăng nhanh và phục hồi sau đó sẽ cần tới nhiều năm.
Bên cạnh về gánh nặng nợ xấu, trong đại dịch COVID-19, VPBank cũng nằm trong số 2 ngân hàng bị tổ chức Moody's đang xem xét hạ bậc tín nhiệm do các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất, nhưng FE Credit đóng góp tới 43% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank.
Bất kỳ sự suy yếu nào từ FE Credit đều có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank.
Kế hoạch lợi nhuận buộc điều chỉnh giảm khi dịch bệnh đến
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, đầu năm nay, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng rất tham vọng: Lợi nhuận trước thuế đạt 13.500 - 14.000 tỷ đồng, tăng 29%. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra buộc ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch.
Theo kế hoạch mới được trình Đại hội, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, song lợi nhuận của FE Credit sẽ điều chỉnh giảm nhẹ bởi quan điểm phát triển thận trọng, có thể phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Các chỉ tiêu tăng trưởng khác trong năm 2020 của ngân hàng hợp nhất vẫn tiếp tục tăng như quy mô tổng tài sản dự kiến đạt mức 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019; tăng trưởng tín dụng 12,3%; huy động vốn tăng 10,4%...
Trong quý 1, VPBank ghi nhận 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 63% so cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ là 2.074 tỷ đồng và của công ty FE Credit là 917 tỷ đồng.
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, của ngân hàng riêng lẻ tăng 111% và 90% đối với FE Credit, góp phần đưa thu nhập của hợp nhất tăng gấp đôi.
VPBank đã trích lập 3.712 tỷ đồng dự phòng, do đó, chi phí dự phòng đã tăng 26% khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41 của Ngân hàng đạt 11,1%, vượt 3% so với mức tối thiểu 8%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 28,7%, cách xa ngưỡng 40% của Ngân hàng Nhà nước.