Gánh nặng 'tiền trường' cả khi không còn đi học
Việc phụ huynh học sinh phải đóng một số khoản tiền trường vô lý trên danh nghĩa 'đóng góp tự nguyện' qua hình thức kêu gọi thư ngỏ của nhà trường hoặc Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh luôn dấy lên bức xúc, kiến nghị.
Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Nông Cống I (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) nhận được thư ngỏ kêu gọi tập thể giáo viên, các thế hệ cựu học sinh, các bậc phụ huynh, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay đóng góp, hỗ trợ nhà trường cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.
Nhưng, đâu chỉ có vậy, còn có rất nhiều những thư ngỏ kêu gọi cựu học sinh, sinh viên đóng góp qua những lần nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm, 25 năm, 50 năm ngày thành lập trường, thành lập khoa. Rồi lại lễ kỷ niệm 10 năm, 20 năm… ngày ra trường khiến cho nhiều người mệt mỏi với các khoản tiền liên quan đến trường, lớp mà mình đã từng theo học trong quá khứ.
Khi thư ngỏ đã thành phong trào
Người Việt có truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và muôn vàn những mối quan hệ bạn hữu ràng buộc. Vì thế, việc các cựu học sinh, sinh viên khi đã ra trường nhiều năm nhở về thầy cô, mái trường là điều dễ thấy. Tuy nhiên, giữa nhớ về kỷ niệm, nhớ về nơi mình đã từng gắn bó không đồng nghĩa là sinh ra những khoản đóng góp triền miên, vô tận…
Nhiều nơi, nhiều trường tổ chức ngày kỷ niệm thành lập trường, thành lập khoa một cách phô trương, hình thức và đua nhau tổ chức, đằng sau đó là gửi thư ngỏ kêu gọi đóng góp.
Tất nhiên, việc tổ chức ấy không thể lấy tiền từ kinh phí hoạt động của nhà trường, từ ngân sách nhà nước để tổ chức, hoặc có xin được cũng chẳng đáng là bao nhiêu. Vì thế, hình thức gửi thư ngỏ gửi đến các những cựu học sinh, sinh viên là điều mà các nhà trường tính đến.
Cách đây chưa lâu, cũng tại Thanh Hóa, Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã có thông báo tới các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh về dự kiến kế hoạch thực hiện, công việc chuẩn bị, các điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường vào tháng 11/2023.
Theo đó, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ với tổng kinh phí dự kiến hơn 2,6 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục như: Xây dựng nội thất nhà truyền thống, từ 350 đến 450 triệu đồng; sơn và làm lan can khu hiệu bộ 3 tầng là 300 triệu đồng; xây dựng thư viện xanh 200 triệu đồng; biên tập, xuất bản và in kỷ yếu 225 triệu đồng; thuê tổ chức sự kiện 300 triệu đồng; quà lưu niệm cho các thầy cô giáo, đại biểu 250 triệu đồng…
Cũng theo nội dung kế hoạch kêu gọi của nhà trường, các lớp, các khóa, cá nhân học sinh có thể đăng ký tài trợ nhà trường theo hạng mục. Kinh phí tài trợ có thể trao trực tiếp tại trường hoặc gửi qua tài khoản nhà trường.
Bây giờ, lại đến Trường Trung học phổ thông Nông Cống I (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Theo bảng kê các hạng mục công trình dự kiến thực hiện có tất cả 13 hạng mục, gồm: Lát gạch sân trước và sau nhà 3 tầng; lát gạch sân trung tâm; đá biểu trưng; sơn tòa nhà A; nhà B; nhà C; nhà D; sơn nhà đa năng, sơn tường rào; xây dựng phòng truyền thống; biên tập và in kỷ yếu; kinh phí tuyên truyền...
Trong các hạng mục trên, có 5 hạng mục đề số tiền dự toán, gồm: Đá biểu trưng (200 triệu đồng); xây dựng phòng truyền thống (400 triệu đồng); biên tập và in kỷ yếu (1.000 cuốn - 200 triệu đồng); kinh phí tuyên truyền (270 triệu đồng) và kinh phí tổ chức lễ, hội (1,09 tỉ đồng).
Cũng theo kế hoạch tổ chức, nhà trường đã ấn định "cào bằng" số tiền hàng chục triệu đồng đối với từng lớp theo năm học. Cụ thể, đối với các lớp tốt nghiệp năm 2013 trở về sau, mức tối thiểu 10 triệu đồng/lớp; Các lớp tốt nghiệp trước năm 2013, mức tối thiểu là 15 triệu đồng/lớp.
Rõ ràng, việc tổ chức ngày thành lập trường như vậy đã và đang trở thành gánh nặng cho nhiều cựu học sinh, nhất là những người từng làm trong ban cán sự lớp, các học sinh thành đạt và cả những người không thành đạt, khó khăn.
Để huy động được số tiền ấy, chắc chắn những người đại diện lớp lại phải ra sức vận động những thành viên lớp mình chung tay đóng góp. Bây giờ, mạng xã hội thịnh hành, nên gần như lớp nào (dù đã ra trường mấy chục năm) cũng tạo nhóm bạn cũ trên mạng xã hội. Vì thế, người thành đạt, khá giả thì một vài triệu không phải là vẫn đề quá lớn nhưng những người đang gặp khó khăn thì đó lại là gánh nặng. Không đóng thì không đành vì ai cũng có lòng tự ái, tự trọng. Nhưng, "theo được" bạn bè nhiều khi cũng vất vả lắm.
Quá nhiều khoản được kêu gọi các cựu học sinh
Thực ra, bây giờ không chỉ một vài trường như ở Thanh Hóa được báo chí đề cập mà gần như ở đâu cũng nở rộ phong trào họp lớp, hội lớp, hội khoa, kỷ nhiệm ngày thành lập trường, quỹ lớp hàng năm.
Giờ đây, gần như ai có vô vàn các hội, lớp khác nhau. Nào là hội tiểu học, cấp 2, cấp 3, đại học... Vì thế, hàng năm phải đóng rất nhiều tiền quỹ khác nhau. Lúc thì tổ chức họp lớp (1-2 năm tổ chức nhỏ; 5,10 năm tổ chức lớn. Lúc thì kỷ niệm 20 năm, 30 năm ngày ra trường; lúc thì kỷ niệm ngày thành lập trường phổ thông; lúc thì kỷ niệm ngày thành lập khoa, trường đại học… và gần như những lúc này bạn bè luôn "nhớ nhau" để kêu gọi đóng góp. Đến được thì đóng trực tiếp, không đến được thì chuyển khoản.
Quỹ lớp thì năm nào cũng đóng khiến nhiều người cũng băn khoăn về việc đóng quỹ, hội lớp hiện nay. Thêm khoản thỉnh thoảng trường lại tổ chức ngày thành lập. Trong khi, thực ra việc đóng quỹ lớp, quỹ khoa chẳng có tác dụng gì. Năm họp lớp 1 lần đến ăn uống, nhậu nhẹt với nhau một lúc rồi ra về.
Các ngày tổ chức ngày thành lập trường thì nhiều khi nhà trường chỉ chú trọng khi vận động đóng góp, khi tổ chức thì họ cũng chỉ quan tâm đến những người thành đạt, ủng hộ, đóng góp nhiều. Nhiều khi những thành viên Ban giám hiệu, giáo viên hiện tại còn ít tuổi, có biết những cựu học sinh lớn tuổi mà "vô danh" là ai.
Ai cũng biết, ngày kỷ niệm ngày thành lập trường không nhất thiết phải phô trương quá lớn, không phải lễ nghi, mời mọc quá nhiều như một số trường đang làm. Thế hệ học trò này qua đi, thế hệ học trò khác nối tiếp. Lễ kỷ niệm không cần thiết phải huy động, lục tìm những học sinh khóa này, khóa khác làm gì.
Việc tổ chức nội bộ giữa thầy và trò trong nhà trường và mời những cựu giáo viên là được. Việc đóng góp, ủng hộ trên tinh thần tự nguyện, không nên cào bằng đối với các lớp cựu học sinh vì điều đó rất phản cảm. Chưa kể nhiều việc khác như cựu sinh viên, học sinh đóng góp sau đó các giáo viên lạm kinh phí tổ chức đi du lịch, đi liên hoan rất không nên.
Có những điều tế nhị, nhạy cảm và khó nói của vô vàn các cựu học sinh, sinh viên nhưng họ cứ phải miễn cưỡng phải thực hiện vì nhiều lý do ràng buộc khác nhau. Tuy nhiên, sau những buổi kỷ niệm, hội lớp, hội khoa hoành tráng như vậy diễn ra liệu những cựu học sinh có cảm thấy vui vẻ và thoải mái hay không?