Gạo đỏ, gạo tím, gạo đen, gạo trắng... gạo nào dinh dưỡng hơn?
Gạo có màu sắc đỏ, tím, đen... thường chứa hàm lượng các khoáng chất và chất chống oxy hóa cao hơn so với gạo trắng thông thường.
Hiện nay, các sản phẩm gạo đặc sản có màu sắc hồng, đỏ, tím đen thu hút được nhiều sự lựa chọn của người tiêu dùng. Khi nấu chín, gạo vẫn giữ được màu đặc trưng, hạt cơm dẻo, tơi xốp giống với gạo tẻ thông thường.
Đơn cử như mới đây, nhóm nghiên cứu của TS. Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, vừa công bố lai tạo thành công giống lúa mới SR20 có màu đỏ hồng với nhiều đặc điểm tương tự giống lúa huyết rồng danh tiếng vốn đã thất truyền.
Chia sẻ với PLO, TS Đào Minh Sô cho biết, trong trình lai tạo các giống lúa cải tiến, phù hợp với điều kiện canh tác mới, nhóm nghiên cứu đã tình cờ tạo ra được một số giống lúa màu (hồng, đỏ, tím, đen). “So với gạo trắng thông thường, loại gạo màu này có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhờ vào các màu sắc riêng biệt này”- TS Sô chia sẻ.
Nói rõ hơn về điều này, TS Sô cho biết, xét về mặt dinh dưỡng, gạo màu tốt hơn gạo trắng thông thường dựa trên hai yếu tố, là đặc điểm giống và quá trình chế biến.
“Về đặc điểm giống, nếu so với gạo trắng, các chất dinh dưỡng có trong các loại giống lúa có sắc tố đỏ, đen, tím sẽ chứa nhiều chất vi khoáng sinh học như sắt, kẽm, canxi, magie, vitamin B và hàm lượng chất chống oxy hóa anthocyanine cao hơn… Đặc biệt trong gạo đỏ như SR20 thì hàm lượng chất sắt sẽ cao hơn gạo thông thường”-TS Sô cho biết.
Về quá trình chế biến, ông cho biết: "Trong quá trình nghiên cứu ra dòng gạo màu, tôi nhận ra để giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và vị ngọt của cơm, gạo chỉ nên chế biến dạng xát còn phần cám, hay còn gọi là xát dối. Mục tiêu là chúng tôi là đưa dòng gạo này thành sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như gạo trắng thông thường, do đó khi đưa giống lúa này ra thị trường, chúng tôi vẫn khuyến cáo doanh nghiệp cần tuân thủ cách chế biến, sao cho khi ra cơm, vẫn phải đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất”.
Cũng theo ông, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gạo màu, tuy nhiên các loại gạo này thường được chế biến dạng lứt, tức gạo nguyên cám. “Những loại gạo này chứa nhiều dinh dưỡng nhưng hạt cơm sẽ thường cứng, không xốp dẻo như gạo trắng nên khi dùng người tiêu dùng thường phải ngâm, vò rồi mới nấu, để tạo độ mềm cơm, do đó cũng kén người ăn”.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, với các loại gạo xát còn nguyên cám, thường dễ bị hư hỏng, ẩm mốc nên người tiêu dùng chỉ nên ăn đến đâu, mua đến đó. Đồng thời, với cách chế biến của loại gạo còn nguyên vỏ cám, cần phải có quá trình canh tác an toàn, nếu không dư lượng thuốc trừ sâu, hoặc phân bón sẽ còn tồn đọng ở lớp vỏ cám, gây tác hại cho người dùng khi sử dụng.