Gạo ngon nhất thế giới rồi sao nữa?
Giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2022 do The Rice Trader tổ chức tuần rồi tại Phuket (Thái Lan) đã về tay Campuchia. Nhưng câu chuyện thành công của giống lúa Phka Rumduol buộc các nước 'trên cơ' Campuchia về xuất khẩu gạo như Việt Nam và Thái Lan phải suy nghĩ, bởi Campuchia xây dựng nền nông nghiệp lành mạnh từ đống tro tàn sau nạn diệt chủng.Tiếp thị không mất tiền
Campuchia đã đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2022 do The Rice Trader tổ chức tuần rồi tại Phuket, Thái Lan. Trước đó, giống Phka Malys (hoặc Angkor Malis) của Campuchia cũng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới “The World’s Best Rice” vào các năm 2012, 2013, 2014 và năm 2018.
Đây là gạo lúa mùa đặc sản của vùng đất phù sa quanh Siem Reap – vùng đất cố đô của đế quốc Angkor. Lúa ở đây canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong suốt quá trình canh tác. Hạt gạo dài, trắng trong, thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng.
Câu chuyện thành công của nông nghiệp Campuchia
Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy sự vươn lên mạnh mẽ của ngành nông nghiệp xứ Chùa Tháp, cần mẫn gầy dựng mọi thứ từ đống tro tàn và đổ nát sau chiến tranh.
Cuối thập niên 1970, nông dân Campuchia đã ăn hết các loại lúa giống do tình trạng thiếu lương thực tràn lan. Năm 1985, Chính phủ Campuchia đã yêu cầu Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) hỗ trợ kỹ thuật nhằm làm lại từ đầu. Năm sau đó, thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết. IRRI bắt đầu đưa về Campuchia 766 giống lúa Campuchia truyền thống từ ngân hàng hạt giống tại Manila, Philippines.
IRRI đã thu thập các loại lúa khác nhau ở Campuchia trong khoảng thời gian từ tháng 12-1972 đến tháng 1-1973 và bảo tồn các bản sao đa dạng của các giống lúa Campuchia tại ngân hàng gen lúa quốc tế ở Manila, Philippines. Các giống lúa truyền thống được hồi hương là nền tảng cho nền sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Campuchia sau này.
Trong giai đoạn 1960-1973, IRRI đã giúp Campuchia đào tạo sáu nhà nghiên cứu về di truyền và sản xuất lúa gạo. Những nhân tài hạt giống này đã không qua nổi các cuộc chiến. Campuchia phải bắt đầu làm lại từ đầu với sự hỗ trợ của quốc tế. Giống lúa Phka Rumduol được phát triển thông qua dự án hợp tác ba bên giữa Campuchia, Úc và IRRI.
Sau mười năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 1999 giống Phka Rumduol được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (Cardi) giới thiệu với nông dân. Các nhà khoa học mất 13 năm để thuyết phục nông dân, người tiêu dùng và nhà buôn về năng suất, chất lượng và giá trị thị trường của giống lúa Phka Rumduol. Phiên bản Phka Malys của giống lúa này đạt giải quán quân đầu tiên tại cuộc thi World’s Best Rice ở Bali năm 2012, theo trang mạng của Cardi.
Theo ResearchGate, các nhà khoa học Campuchia và quốc tế đã khảo nghiệm chất lượng của Phka Rumduol sau khi nấu so với giống Phka Malys trước đó và giống Koshihikari của Nhật Bản. Các kết quả này chứng minh gạo mới Campuchia ngon hơn gạo Nhật, và thích hợp với người tiêu dùng Campuchia ăn cơm ít nhất ngày hai bữa.
Láng giềng Thái Lan bừng tỉnh
Sự thành công trong hai mùa liên tiếp 2012-2013 của gạo thơm Phka Malys hay Angkor Malis của Campuchia đã đánh động láng giềng Thái Lan. Chủ các nhà máy xay xát gạo từ miền Trung và Đông Bắc Thái Lan đổ xô vào xây nhà máy ở Campuchia từ đầu năm 2014, bởi lúc đó Campuchia thiếu các nhà máy xay xát hiện đại.
Không chỉ có doanh nghiệp nhỏ, theo Bangkok Post, còn có cả CP Intertrade – hãng con của tập đoàn CP – và hãng Asia Golden Rice của Thái Lan. Cả hãng máy móc ngành thực phẩm Taiwa Seiki của Nhật Bản cũng tham gia.
Campuchia có khả năng sản xuất 9-10 triệu tấn lúa hàng năm, tức 5 triệu tấn gạo đã xay xát. Nhưng thời điểm đó, Campuchia chỉ xuất khẩu 370.000 tấn mỗi năm. Mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo của Chính phủ Campuchia là hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Với các doanh nghiệp quốc tế, các công ty kinh doanh gạo Campuchia còn non kinh nghiệm về tiếp thị và xuất khẩu gạo như họ. Họ đầu tư để kiếm tiền khi gạo Campuchia bắt đầu khẳng định danh tiếng trên toàn thế giới. Tuy vậy, ngay cả các nhà buôn Thái cũng lo ngại “lửa táp ngược” trước viễn cảnh gạo ngon Campuchia tràn ngập thị trường Thái Lan, đè bẹp gạo Thái.
Năm 2014, Phka Malys giành thêm giải nhất lần nữa. Phka Malys chỉ đạt giải nhì trong ba cuộc thi liên tiếp từ năm 2015-2017. Đến năm 2018, giống lúa nổi tiếng của Campuchia lần nữa tỏa sáng tại cuộc thi tổ chức Hà Nội.
Nhưng đến lúc này, ngành lúa gạo của Campuchia không còn non nớt như người Thái nghĩ lúc ban đầu. Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) thành lập từ tháng 5-2014 đã lớn mạnh hơn. Andy Lay Chhun Hour, Phó chủ tịch CRF và CEO của hãng xuất nhập khẩu lúa gạo City Rice ở Battambang, là nhân vật chủ chốt đứng đầu sau thành công của Phka Rumduol tại cuộc thi ở Phuket.
Xuất khẩu gạo của Campuchia cũng vượt mốc hơn 500.000 tấn trong mười tháng đầu năm nay, tăng hơn 10% so với con số 460.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. So với hai láng giềng là cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan và Việt Nam, con số này chỉ bằng 10%. Nhưng Campuchia không ngần ngại khi nói về chất lượng gạo của họ.
Tương lai cho gạo ngon Việt Nam
Khi gạo của ông Hồ Quang Cua giành giải nhất năm 2019, một cơn bão truyền thông và cơn sốt gạo ST25 lan khắp Việt Nam. Không tự hào sao được khi đó là thành quả nghiên cứu khoa học và lao động miệt mài trong suốt 25 năm của ông Hồ Quang Cua và các cộng sự. Đó cũng là sự nở mày nở mặt của Việt Nam với tư cách cường quốc xuất khẩu gạo có hạng của thế giới.
Đến năm 2020, ST25 lại được đưa đi tham gia giải gạo ngon nhất thế giới và chỉ giành giải nhì, sau gạo hương lài Thai Hom Mali. Năm nay, gạo ST24 và ST25 không giành được giải cao nhất, chỉ có mặt trong top 4 các loại gạo ngon cùng với gạo của Thái Lan và Lào.
Tuy vậy, ông Hồ Quang Cua – một trong những tác giả tạo nên các giống ST – đã thắng giải cá nhân danh giá “Thành tựu trọn đời” tại Phuket. Đây là giải thưởng dành cho các cá nhân xuất sắc, có thành tích và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành lúa gạo cho quốc gia và thế giới.
Nhưng có lẽ, các cuộc đưa gạo ngon đi thi của các doanh nghiệp trong nước cần sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp, sự hỗ trợ dài hơi về mọi mặt của các hiệp hội và chính phủ – như trong trường hợp của Phka Rumduol từ Campuchia.
Loại gạo Việt Nam 5% trên thương trường quốc tế đang có giá tương đương hay nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại một chút ở mức 460-470 đô la/tấn. Khách mua chủ yếu từ Philippines và các nước châu Phi. Cùng loại gạo, nhưng tuân thủ quy chuẩn GAP bán sang EU, giá lên đến 650 đô la mỗi tấn. Gạo thơm thì được giá hơn ở mức 1.100-1.200 đô la/tấn. Với mức giá này, gạo Việt Nam vẫn hơn gạo Thái Lan một bậc. Trang mạng của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) nói giá giao dịch gạo thơm Thai Hom Mali hôm 9-11 là 932 đô la/tấn.
Nhưng hạn ngạch cho gạo Việt qua châu Âu với mức thuế suất ưu đãi thấp là khá ít, chỉ 80.000 tấn, gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo đã xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Theo số liệu Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt đã “xài hết” 60.000 tấn trong mức hạn ngạch này. Như vậy, đường vào EU của gạo ngon, chất lượng cao từ Việt Nam khá hẹp. Chỉ cần các doanh nghiệp Lộc Trời, Thanh Bình hay Tân An “xí hết” thì các công ty khác không thể chen chân.
Thái Lan đang quyết tâm tìm lại thời vàng son 1980-2010 khi họ đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cả về lượng lẫn chất. Năm 2011, Việt Nam bắt đầu nổi lên cạnh tranh với Thái Lan về giá và rồi về lượng gạo xuất khẩu. Người Thái ngậm ngùi chịu xếp hạng ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Gạo Thái Lan bảy lần đoạt giải ngon nhất. Campuchia đang thu hẹp khoảng cách với bề dày thành tích năm lần.
Đây chính là lời cảnh tỉnh mới. Và hơn hết, đó là thông điệp về chính sách duy trì chất lượng và định vị ở phân khúc cao cấp của gạo Campuchia, ngành nông nghiệp nước này. Đạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới rất quan trọng nhưng tận dụng cơ hội đó để làm gì nữa còn quan trọng hơn nhiều.
Một doanh nhân và chuyên gia ngành gạo Việt Nam có mặt tại cuộc thi Phuket 2022 kể rằng: “Đối với các loại gạo ngon đoạt giải nhất thì chỉ có các đầu bếp, các chuyên gia ngành gạo và ban tổ chức mới được thử bởi mỗi công ty dự thi chỉ được gửi hai túi gạo một ký. Nhưng lần này Thái Lan đã đem cơm nấu chín mời các nhà buôn gạo thử ngay tại chỗ. Khi được dùng thử, người mua cảm thấy ngon miệng và vừa ý thì sẽ xem xét ký hợp đồng, bởi họ đã biết gạo có chất lượng như thế nào”.
Ông nói rằng dù không đoạt giải nhất, nhưng các nhà buôn gạo Thái đã thắng trong chiến thuật tiếp thị như vậy. Họ đưa gạo tới “tận miệng” nhà mua hàng mà không mất chi phí truyền thông.
Và các nhà kinh doanh gạo Thái Lan và Campuchia cũng có những chiêu tiếp thị độc đáo khác ở thị trường đông các sắc dân châu Á ở Mỹ, châu Âu và Úc. Chẳng hạn, họ làm những chén (bát) ăn cơm thật đẹp bỏ vào từng bao gạo 25 ký. Các bà nội trợ vì muốn có một bộ chén đẹp cho cả gia đình thì chọn ngay gạo “Cây dù Hoàng gia” của Thái Lan hay “Thuyền cổ” của Campuchia,
Bên cạnh đó, họ có cẩm nang ghi cách nấu cơm bằng lò vi sóng hay bằng xoong nồi dành cho các gia đình không phải gốc châu Á (không sử dụng nồi cơm điện thường xuyên). Các bao gạo còn có cả các tờ bướm giới thiệu cách nấu món ăn truyền thống phù hợp với loại gạo đó. “Họ không chỉ bán gạo mà còn bán các loại nông sản và thực phẩm của đất nước mình”, một chuyên gia tiếp thị khác nói.
Hồ Nguyên Thảo
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gao-ngon-nhat-the-gioi-roi-sao-nua/