Gạo ST24 và ST25 được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU
Trước khi ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU.
Gạo ST24 và ST25 được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU
Theo Bộ NN&PTNT, gạo ST24 và ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU - lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Được biết, trước khi 2 giống gạo ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi vào thị trường này, Việt Nam có 9 giống gạo cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng nói trên.
Các chuyên gia cho rằng, với kết quả như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có thể đạt khoảng 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt hạn ngạch Hiệp định EVFTA. Lượng gạo tuy không lớn nhưng đây là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, dự báo nhập khẩu gạo của EU tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023, ước đạt tới 2,65 triệu tấn. Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm, trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với sản phẩm chế biến từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm (EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020).
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan. Năm 2022, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt trên 94.500 tấn. Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn, thông tin trên Hà Nội Mới.
Tận dụng cơ hội gia tăng từ Hiệp định EVFTA
Theo số liệu trên báo Công Thương, EU tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam do sản lượng gạo sản xuất chỉ đạt khoảng 1,33 triệu tấn, giảm đến 23% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu gạo của EU tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023, ước đạt tới 2,65 triệu tấn.
Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm, trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với các sản phẩm chế biến từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm (EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020).
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan với tỷ lệ sử dụng C/O gần như 100%. Trong năm ngoái, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt trên 94.500 tấn.
Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.
Điển hình vào năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường châu Âu hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo.
Không dừng lại ở đó, chỉ hai năm sau, với sự hỗ trợ, kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính. Cho tới nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được thành công này tại châu Âu.
Đáng chú ý kết quả năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào EU, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023 và vẫn đang tiếp tục thực hiện rất tốt đơn hàng này.
Trúc Chi (t/h)