Gạo ST25 ngon nhất thế giới bị mất thương hiệu, ông Hồ Quang Cua nói gì?
'Cha đẻ' bộ giống lúa ST25, được chứng nhận là gạo ngon nhất thế giới, nói ông đã biết việc 'đứa con mình tạo ra' bị các doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ tại Mỹ, nhưng ông không làm được gì vì không rành lĩnh vực này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận gạo ST24, ST25 – gạo được chứng nhận ngon nhất, nhì thế giới năm 2019 - 2020, đã bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.
Theo thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22-10-2020. Đơn vị thứ 2 là Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1-9-2020, và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18-6-2020.
Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp văn bằng bảo hộ, vì cả 3 đơn đăng ký đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending).
Trả lời truyền thông chiều 21-4, kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của bộ giống lúa ST24, ST25, cho biết ông đã nắm được thông tin các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, người tạo ra gạo ngon nhất thế giới thừa nhận trước giờ ông chỉ tập trung vào chuyên môn của một nhà khoa học, chuyên tâm nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa, còn vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp. Ông không làm gì được vì không rành lĩnh vực này.
Nói về việc gạo ST25 bị người khác nhanh tay đăng ký bảo hộ tại Mỹ, ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit, cho rằng chính Vinamit cũng từng mất thương hiệu ở nước ngoài, và phải tốn nhiều năm cùng nhiều tiền của mới đòi lại được.
Ông Viên nói chi phí để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ khoảng 1.000 USD/đơn. Để chắc chắn, doanh nghiệp nào cũng phải đăng ký "bao vây" các nhãn hiệu tương tự, như: ST25, ST26, Gạo ngon nhất thế giới 2019… Ngoài ra, còn phải mua tên miền các nhãn hiệu trên để sử dụng sau này. Dù tốn kém, nhưng doanh nghiệp phải làm ngay. Bởi khi bị người khác đăng ký thì việc đòi lại rất phức tạp và tốn kém.
Cùng quan điểm với ông Lâm Viên, Luật sư Vũ Xuân Lâm (chuyên về sở hữu trí tuệ), chia sẻ với Người lao động rằng trong trường hợp này, chủ sở hữu tại Việt Nam có thể khiếu nại đến USPTO, để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký "chính chủ". Phải làm ngay giai đoạn này để xử lý đơn giản và đỡ tốn kém nhất.
Ông Lâm cũng nói theo kinh nghiệm của tôi, phí tối thiểu là 75.000 USD để khiếu nại 3 tổ chức, cá nhân đang nộp hồ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ.
Trong khi đó, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25, cho biết việc các doanh nghiệp, cá nhân tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25 không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25, và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo cả.
Trên facebook cá nhân của mình, ông Hồ Quang Cua mới đây cũng chia sẻ chuyện mang gạo ST25 đi thi lần 2 và chỉ được giải nhì, trong khi trước đó sản phẩm này đã giành danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Việc này khiến dư luận râm rang suốt thời gian dài.
Ông viết: Cách đây hơn 4 tháng, tôi đang vui mừng vì kết quả thi quốc tế, thì lại nghe những lời phê phán về marketing, xây dựng thương hiệu. Nhưng do bản thân tôi đã chịu như thế ít nhiều nên cũng chịu đựng được. Tôi xác nhận ngày nào còn sống tôi vẫn đem gạo ST24 và ST25 đi thi, để khẳng định vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam.
Tôi làm công việc này theo chuyên môn và cũng không làm khác được. Tôi chăm chỉ làm vì tôi thích làm, nếu có kết quả cao thì xã hội hưởng nhiều, tôi hưởng được niềm vui, cũng như thu hồi công sức đã bỏ ra.
Ông giải thích hơn 60 năm qua, giống lúa Khao Dawk Mali vẫn là độc tôn của Thái Lan. Gạo thơm là tinh túy quốc gia, dẻo thơm không phải ai cũng thích nhưng vẫn cứ là tính túy quốc gia.
Song các tổ chức thương mại thế giới rất lưu ý đến các yếu tố sản lượng, doanh số để thúc đẩy thương mại lúa gạo toàn cầu, cho nên việc chọn dự thi phải chọn Giống ngon nhất và Giống có tính bền vững nhất.
Nếu giống có đặc tính thơm ngon nhưng thiếu tiềm năng phát triển mà đem dự thi quốc tế, đoạt giải rồi không có doanh số trên thương trường quốc tế, thì chỉ làm hại mình thôi.